Khẳng định tác dụng tích cực của phiếu chuẩn bị bài, cô Nguyễn Thụy Thanh Trang, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ chia sẻ giải pháp: Phát triển năng lực tự học cho học sinh qua việc thiết kế và sử dụng phiếu chuẩn bị bài trong dạy văn bản môn Ngữ văn lớp 10.
Giúp học sinh phát huy năng lực tự học
Từ thực tiễn triển khai, cô hanh Trang cho biết sử dụng phiếu chuẩn bị bài đem lại hiệu quả rất khả quan.
Phiếu chuẩn bị bài còn giúp rèn luyện cho học sinh năng lực tự học và tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo và thẩm mỹ, năng lực tiếp nhận văn bản (đọc hiểu), năng lực tạo lập văn bản nói, viết. Phiếu có thể thực hiện ở bất kì không gian học tập nào, ít tốn kém chi phí cho giáo viên lẫn học sinh. Chỉ cần giáo viên và học sinh chịu khó, dành thời gian để thiết kế và thực hiện.
Theo đó, phiếu chuẩn bị bài giúp phát huy tối đa tính tích cực của học sinh trong việc chủ động tìm hiểu kiến thức và chủ động trong cách ghi chép kiến thức chiếm lĩnh được. Trong giờ học, các em đã biết kết hợp phiếu chuẩn bị bài ở nhà tham gia tích cực vào các hoạt động mà giáo viên tổ chức ở trên lớp như phát biểu, thảo luận, thuyết trình…, tiết kiệm được thời gian.
Học sinh tự tin hơn về bản thân. Có sự chuẩn bị bài trước nên các em mạnh dạn hơn trong việc phát biểu, trao đổi ý kiến với bạn. Các em định lượng được khối kiến thức mà mình đã có được. Sau mỗi bài học, học sinh thấy rõ kiến thức của mình tăng lên như thế nào (qua việc so sánh kiến thức trước đó).
Một tác dụng khác của phiếu chuẩn bị bài là các phương pháp tổ chức dạy học từ khâu soạn bài, lên lớp, sau khi lên lớp và kiểm tra có tính thực tiễn đối với học sinh, tạo ra động cơ, hứng thú học tập cho học sinh. Các em biết cách sử dụng sách giáo khoa, khai thác các tài liệu tham khảo một cách có hiệu quả.
Phiếu chuẩn bị bài "Hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản tự sự" của cô Thanh Trang. |
Thiết kế phiếu chuẩn bị bài
Ảnh minh họa |
Các bước thiết kế phiếu chuẩn bị bài được cô Nguyễn Thụy Thanh Trang chia sẻ gồm 3 bước.
Mỗi phiếu chuẩn bị bài sẽ có yêu cầu của giáo viên và kết quả tìm hiểu của học sinh. Dưới mỗi yêu cầu là phần để trống để học sinh hoàn thành. Trên phiếu có thể được sử dụng cả văn bản (chữ) lẫn sơ đồ, biểu bảng…với nhiều hình thức rất đa dạng để tạo hứng thú học tập cho các em.
Bước 1: Phân tích bài dạy để nắm vững mục tiêu và nội dung kiến thức bài học, xác định định lượng kiến thức sử dụng trong phiếu chuẩn bị bài.
Bước 2: Chuyển kiến thức trọng tâm thành dạng phiếu chuẩn bị bài. Vấn đề trên phiếu học tập nên chia nhỏ, sắp xếp từ dễ đến khó để tất cả học sinh trên lớp với năng lực học khác nhau đều có thể tham gia.
Bước 3: Chuẩn bị hệ thống lập luận và nhận xét để chỉ đạo và điều chỉnh quá trình học tập của học sinh. Giáo viên cần chuẩn bị kĩ lưỡng những định hướng có tác dụng mạnh mẽ đến hiệu quả học tập của học sinh, góp phần thúc đẩy học tập theo hướng tích cực, phá vỡ sự căng thẳng trong học tập, giúp học sinh mạnh dạn suy nghĩ nhiều hơn, mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình.
Cấu trúc của phiếu chuẩn bị bài gồm các phần: Tên trường, tên lớp đang học, tên học sinh, tên bài học, câu hỏi để học sinh chuẩn bị và những khoảng trống để học sinh tự trả lời.
Cách sử dụng phiếu chuẩn bị bài
Khi phát phiếu chuẩn bị bài cho học sinh, giáo viên cần hướng dẫn cách sử dụng sao cho đạt hiệu quả. Cách thức tiến hành cũng được cô Nguyễn Thụy Thanh Trang chia sẻ theo các bước:
Bước 1: Nêu nhiệm vụ học tập, phát phiếu chuẩn bị bài, hướng dẫn học sinh thực hiện phiếu chuẩn bị bài.
Bước 2: Học sinh huy động kiến thức và các nguồn tài liệu có liên quan để giải quyết vấn đề giáo viên đặt ra.
Bước 3: Học sinh trình bày kết quả trên phiếu chuẩn bị bài (yêu cầu học sinh điền câu trả lời vào phiếu một cách ngắn gọn, dễ hiểu…).
Bước 4: Giáo viên có thể cho học sinh trao đổi chéo phiếu chuẩn bị bài trước khi dạy để học sinh sửa chữa, đánh giá kết quả lẫn nhau.
Ảnh minh họa |
Giáo viên có thể sử dụng phiếu chuẩn bị bài để thực hiện các mục tiêu khác nhau theo tiến trình của giờ dạy. Khả năng sử dụng phiếu chuẩn bị bài vào mỗi khâu trong tiến trình giảng dạy để đạt mục tiêu là rất lớn.
Trong một tiết dạy, hoạt động khám phá, chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện kĩ năng là hoạt động chiếm lượng thời gian lớn nhất, cũng là hoạt động mà giáo viên có nhiều cơ hội sử dụng phiếu chuẩn bị bài nhằm đạt được mục tiêu bài dạy theo tiến trình.
Ở hoạt động này, cách thức tiến hành theo gợi ý của cô Nguyễn Thụy Thanh Trang như sau:
Bước 1: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài dựa trên những nội dung đã định hướng trên phiếu chuẩn bị bài. Giáo viên có thể tổ chức kết hợp các hình thức dạy học như vấn đáp, thảo luận nhóm, thuyết trình…tuỳ theo nội dung câu hỏi và thời gian của tiết học.
Bước 2: Học sinh nhận nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của giáo viên (trả lời, thảo luận nhóm, thuyết trình…) dựa trên kết quả của cá nhân tìm hiểu được hoặc trên kết quả thống nhất của nhóm.
Bước 3: Học sinh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ dựa trên kết quả của cá nhân tìm hiểu được (trả lời cá nhân) hoặc kết quả thống nhất của nhóm (thảo luận, thuyết trình…).
Bước 4: Học sinh trao đổi, nhận xét, bổ sung kết quả của bạn hoặc nhóm của bạn.
Bước 5: Giáo viên nhận xét, kết luận, khen thưởng (nếu có).
Phiếu chuẩn bị bài (Phiếu bài soạn) là những mẩu giấy rời, được thiết kế kết hợp nhiều hình thức khác nhau (câu hỏi, biểu bảng, sơ đồ, sơ đồ tư duy…) theo nội dung bài học để học sinh hoàn thành trước ở nhà. Yêu cầu trên phiếu chuẩn bị bài có thể dưới dạng câu hỏi, sơ đồ, biểu bảng… Dưới mỗi yêu cầu là phần để trống để học sinh hoàn thành. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá sự chuẩn bị của học sinh.