Nhiều năm qua trong quá trình giảng dạy, ôn tập phần đọc hiểu bản thân tôi đã vận dụng các giải pháp sau, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Dạy lý thuyết kỹ năng trả lời câu hỏi vận dụng trong bài đọc hiểu
Giáo viên ôn lý thuyết về kỹ năng làm các dạng câu hỏi thường gặp trong bài tập đọc hiểu với các mức độ (Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng) và yêu cầu học sinh ghi vào tập, học thuộc lòng các kỹ năng trên. Trong quá trình ôn, giáo viên nên dán bảng phụ lên bảng cho học sinh nào quên lý thuyết nhìn qua đối chiếu.
Thầy cô cũng lưu ý giúp học sinh thấy được thang điểm, tầm quan trọng và cách hỏi thường gặp trong câu vận dụng bài tập đọc hiểu. Đa số học sinh làm câu vận dụng chưa đạt yêu cầu nên trong quá trình ôn tập, đến câu vận dụng giáo viên cần chỉ cho học sinh thấy câu hỏi 4 trong tổng 4 câu của phần đọc hiểu văn bản về thang điểm là 1,0 điểm.
Nghiên cứu tài liệu trên mạng, hội đồng bộ môn, các cuốn sách về kỹ năng bài tập đọc hiểu của Đỗ Ngọc Thống hay Triệu Thị Huệ, định hướng học sinh về câu hỏi vận dụng thường gặp cách hỏi như sau: Anh/chị có đồng tình với quan điểm không, vì sao? Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/ chị? Bài học anh/chị rút ra từ đoạn trích trên là gì? Anh/chị hãy đưa ra các giải pháp đối với vấn đề được nêu ra trong đoạn trích?...
Câu này yêu cầu học sinh nêu quan điểm cá nhân, cần trình bày rõ ràng, thẳng thắn, dung lượng câu 5-7 dòng. Lập luận phải trọng tâm, rõ ràng.
Giáo viên đưa ra quy định cách trả lời các câu hỏi vận dụng thường gặp. Theo đó,với câu hỏi “Anh/chị có đồng ý với ý kiến…? Vì sao?”, giáo viên yêu cầu học sinh phải nêu rõ đồng tình hay không đồng tình (0,25 điểm). Yêu cầu tiếp theo phải lý giải vì sao? Đưa ra nguyên tắc của lý giải, nếu các em đồng tình thì khi lý giải phải theo hướng nêu ý nghĩa của quan điểm đó. Nếu không đồng tình, lý giải theo hướng phản biện lại. Còn nếu vừa đồng tình, vừa không đồng tình các em phải kết hợp cả hai để lý giải.
Với câu hỏi rút ra bài học/thông điệp có ý nghĩa nhất: Một là học sinh chọn ngay một câu có ý nghĩa nhất làm bài học, thông điệp. Hai là tự rút ra ý nghĩa của văn bản rồi chọn đó làm bài học, thông điệp. Sau đó áp dụng câu lệnh "Bài học/thông điệp sâu sắc có ý nghĩa nhất đối với em là cần…; nên…; phải…; đừng... ".
Ảnh minh họa/ITN. |
Tổ chức cho học sinh thực hành nâng cao kỹ năng làm tốt câu vận dụng
Tích hợp việc rèn kỹ năng trả lời câu vận dụng với giờ học giảng văn: Trong các tiết giảng văn, giáo viên đặt câu hỏi đồng tình, không đồng tình, bài học, thông điệp, lý giải vì sao? Mục đích là cho học sinh rèn luyện kỹ năng nói, bày tỏ quan điểm cá nhân trước một tình huống, vấn đề đặt ra trong tác phẩm nhưng lại có ý nghĩa trong đời sống xã hội. Từ đó giúp các em làm tốt câu vận dụng trong bài tập đọc hiểu.
Ví dụ khi dạy bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ), cần đặt câu hỏi: Em có đồng tình với câu nói của Hồn Trương Ba "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn" không? Vì sao?.
Tích hợp việc rèn kỹ năng trả lời câu vận dụng với tiết luyện tập viết đoạn văn nghị luận xã hội: Thông qua luyện tập viết đoạn văn nghị luận xã hội, giáo viên hướng dẫn cho học sinh viết đoạn văn. Các đoạn văn này cũng phải có câu chủ đề, bày tỏ quan điểm cá nhân. Từ đó, học sinh từng bước hình thành và nâng cao kỹ năng làm tốt câu vận dụng.
Tích hợp việc rèn kỹ năng làm câu vận dụng với tiết trả bài kiểm tra thường xuyên, thi giữa kỳ, cuối kỳ:Khi chấm bài kiểm tra của học sinh, giáo viên dành nhiều thời gian hơn để xem xét kỹ các câu vận dụng, ghi nhận xét rõ ràng, chi tiết và viết gợi ý một, hai câu đáp án trực tiếp ngay lên bài làm cho học sinh tham khảo. Hoặc giáo viên chỉ ghi nhận xét rồi đến tiết trả bài viết thì yêu cầu học sinh so sánh, đối chiếu đáp án với bài làm của mình. Giáo viên gọi 1, 2 học sinh nêu lên thiếu sót trong bài làm, cả lớp chú ý lắng nghe, rút kinh nghiệm. Ghi nhật ký theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh
Tích hợp việc rèn kỹ năng trả lời câu vận dụng với những buổi phụ đạo truy bài lý thuyết: Trong các buổi phụ đạo truy bài lý thuyết phần nghị luận văn học, tôi hay chia bảng làm 4 ô. Tương ứng với mỗi ô gọi 4 học sinh lên bảng viết trình bày quan điểm, bài học ,thông điệp… Có khi cho học sinh đóng vai tái hiện tác phẩm.
Tích hợp việc rèn kỹ năng trả lời câu vận dụng với tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp: Các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, phần khởi động, giáo viên cho học sinh xem video về những bài học, ý chí vươn lên trong cuộc sống; hoặc đoạn phim ngắn về đại dịch Covid-19. Thầy cô cũng có thể gọi các em trình bày quan điểm, tình cảm của bản thân, gọi học sinh khác nhận xét, đặt câu hỏi phản biện; hoặc cho chơi hái hoa dân chủ, bốc thăm trình bày... Qua đó rèn học sinh khả năng tự tin, diễn đạt tốt câu vận dụng.
Giao bài tập ở nhà, thảo luận nhóm trên lớp
Tăng cường giao bài tập đọc hiểu cho học sinh rèn luyện ở nhà, giáo viên chấm và chọn ra những bài làm tốt câu vận dụng, điểm tổng cả câu đọc hiểu từ 2,5 - 3 điểm, tiến hành nhận xét trên lớp. Bên cạnh đó, chọn những bài làm chưa tốt, đặc biệt là câu vận dụng làm chưa đạt yêu cầu cùng học sinh phân tích, phân loại để học sinh học tập lẫn nhau.
Ngoài ra, giáo viên cần tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm. Trong mỗi nhóm có ít nhất một học sinh khá hoặc giỏi khả năng diễn đạt lưu loát để các em trao đổi, tham khảo, học tập cách làm tốt câu vận dụng. Giáo viên chấm bài tập, nhận xét, đánh giá, khích lệ động viên các em cố gắng, có thể ghi nhận, cho điểm khuyến khích, khen thưởng tập, viết.
* Tác giả Nguyễn Thị Bé hiện công tác tại Trường THPT Phú Điền, Tháp Mười, Đồng Tháp.