Tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong chương trình môn Ngữ văn

GD&TĐ - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ môn Ngữ văn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Ngữ văn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Ngữ văn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Giúp học sinh chủ động, tích cực say mê học tập

Dạy học tích hợp có vai trò quan trọng nhằm hình thành năng lực huy động tổng hợp kiến thức kĩ năng trong các lĩnh vực vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Mặt khác, trong thực tế, có nhiều phẩm chất hoặc đơn vị kiến thức, kĩ năng không được tổ chức như một môn học hoặc hoạt động giáo dục nhưng lại cần thiết được trang bị cho học sinh.

Vì thế những phẩm chất hoặc đơn vị kiến thức, kĩ năng này phải được hình thành ở học sinh thông qua sự đan cài, tích hợp vào những môn học hoặc hoạt động giáo dục đã có. Khi kết hợp tốt phương pháp dạy học tích hợp, sử dụng các hiện tượng trong thực tiễn cuộc sống, giáo viên có thể giúp học sinh chủ động, tích cực say mê học tập, tạo sự phát triển cân đối, toàn diện hơn cả về trí tuệ và tâm hồn.

Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có tên là Ngữ văn.

Ngữ văn là môn học công cụ. Học Ngữ văn là học kĩ năng đọc- viết - nói và nghe. Để có được những kĩ năng này, học sinh phải được trang bị những hiểu biết cơ bản về tiếng Việt và cách sử dụng tiếng Việt (trong nói và viết).

Trong quá trình bồi đắp tiếng Việt, học sinh có thể nhận thức được những đặc thù của tiếng Việt, trên cơ sở đó có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú.

Nghĩa là thông qua ngôn ngữ, hình thành cho học sinh ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đây cũng là một trong những biểu hiện quan trọng để giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục lí tưởng cách mạng về những vấn đề liên quan đến dân tộc, nhân dân.

Ngữ văn là môn học mang tính thẩm mĩ - nhân văn. Thông qua hình ảnh, ngôn từ, chi tiết... giàu tính thẩm mĩ, người nghệ sỹ gửi đến người đọc những thông điệp về cuộc sống và giá trị nhân văn. Ngữ văn là một trong những môn học có thế mạnh để tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống, lí tưởng sống và khát vọng sống tích cực cho học sinh.

Bởi lẽ, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh giữ vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân học sinh đồng thời vai trò đặc biệt quan trọng và ở chừng mực nào đó có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giáo dục đạo đức, lối sống là nền tảng của các mặt giáo dục khác, được thể hiện qua phương châm dạy học, từ xưa là “Tiên học lễ, hậu học văn” và ngày nay là “Dạy chữ, dạy người, dạy nghề”.

Hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng, xã hội. Trong đó, giáo dục đạo đức, lối sống gắn chặt với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động hướng nghiệp.

Ngữ văn là môn học mang tính thẩm mĩ - nhân văn

Ngữ văn là môn học mang tính thẩm mĩ - nhân văn

Tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thuộc về bản chất môn học

Trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn cấp THCS ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài các năng lực chung và năng lực đặc thù, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất mà môn Ngữ văn và các môn học, các hoạt động giáo dục hướng tới là giúp học sinh (trong đó có học sinh trung học cơ sở) hình thành 5 phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.

Để giúp học sinh đạt được các mục tiêu đó, về nội dung, giáo viên nghiên cứu, lựa chọn tích hợp các nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh theo các mạch kĩ năng: nghe – nói - đọc - viết.

Ví dụ, khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu truyện ngắn, truyền thuyết, cổ tích, đồng thoại, giáo viên có thể tích hợp giáo dục cho học sinh tinh thần nhân ái, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học thông qua dạy đọc hiểu các truyện cổ tích, truyện đồng thoại; giáo dục lối sống văn minh, nhân ái, ý thức kỷ luật, tự giác, có trách nhiệm với cộng đồng.

Trong dạy kĩ năng viết, giáo viên thiết kế, giao nhiệm vụ cho học sinh luyện tập thực hành kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, trong đó xây dựng các nhân vật lịch sử như những tấm gương về đạo đức, lối sống, tinh thần hi sinh, xả thân vì cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh chống giặc giữ nước.

Học sinh cũng có thể viết được văn bản nghị luận, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó; nêu được lí lẽ và bằng chứng thuyết phục về về một vấn đề của đời sống, về tinh thần, khát vọng sống và cống hiến của tuổi trẻ trong bối cảnh dựng xây và phát triển đất nước.

Khi dạy kĩ năng nói-nghe, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các chủ đề thuyết minh có nội dung giới thiệu các trò chơi dân gian, các tập quán dân tộc để khơi gợi ở học sinh ý thức trách nhiệm bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Ngay trong những bài thực hành Tiếng Việt, trên cơ sở giúp học sinh hiểu được đặc điểm của Tiếng Việt, kĩ năng sử dụng tiếng Việt, giáo viên cần định hướng cho học sinh ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Như vậy, với môn Ngữ văn, việc tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thuộc về bản chất của môn học. Mỗi bài học dù là bài đọc hiểu văn bản, thực hành tiếng Việt hay nói nghe và viết đều chứa đựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Mỗi bài học đều có khả năng góp phần hình thành tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Website thi thử ielts online miễn phí