Đổi mới kiểm tra, đánh giá Ngữ văn bảo đảm đặc trưng bộ môn

GD&TĐ - Kiểm tra, đánh giá luôn tác động trở lại hoạt động dạy học. 

Học sinh THPT tại Hà Nội trao đổi về bài thi giữa kỳ. Ảnh minh họa
Học sinh THPT tại Hà Nội trao đổi về bài thi giữa kỳ. Ảnh minh họa

Do đó, những đổi mới trong ra đề Ngữ văn, đặc biệt việc có câu hỏi trắc nghiệm được các nhà trường lưu ý, làm sao đáp ứng được yêu cầu đổi mới và đặc trưng bộ môn.

Phát huy tối đa năng lực

Đổi mới cách ra đề các môn học nói chung, môn Ngữ văn cấp THCS nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động chuyên môn, luôn được lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) quan tâm chỉ đạo sát sao, để đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Thanh Trì, cho biết: Trong nhiều năm gần đây, tại các nhà trường trên địa bàn huyện Thanh Trì, việc đổi mới trong ra đề Ngữ văn (lớp 6, 7 theo Chương trình GDPT 2018 đến lớp 8, 9 theo Chương trình 2006) luôn có những đổi mới phù hợp.

Đối với lớp 6, 7, các trường thực hiện đúng mục tiêu về đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát huy phẩm chất, năng lực học sinh (HS). Đề kiểm tra bảo đảm sử dụng 100% ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, nhưng vẫn bám sát các dạng câu hỏi, bài tập mà HS được rèn về kỹ năng ở trên lớp. Hệ thống câu hỏi và bài tập trong đề kiểm tra có phần đọc hiểu (chiếm 6 điểm) và phần viết (chiếm 4 điểm). Phần đọc hiểu có cả trắc nghiệm khách quan và trắc nghiệm tự luận. Câu hỏi có tính phân loại với đầy đủ mức độ: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Các câu hỏi cảm thụ, kết nối cuộc sống được tăng cường nhằm bảo đảm tính mở của đề, giúp HS phát huy tốt nhất năng lực, tránh tình trạng học tủ học vẹt.

Đối với lớp 8, 9, mặc dù thực hiện Chương trình GDPT 2006, nhưng đề kiểm tra môn Ngữ văn cũng có những đổi mới nhất định khi đều xây dựng theo cấu trúc đề thi vào lớp 10 THPT. Trong đó có một phần đọc hiểu với ngữ liệu là văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa nhằm tiếp cận dần với Chương trình GDPT 2018 và phát huy tối đa phẩm chất, năng lực HS.

Tại Trường THPT Diệp Minh Châu (Bến Tre), đề kiểm tra Ngữ văn đổi mới theo hướng đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề của thực tiễn, đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo. Làm rõ điều này, cô Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Diệp Minh Châu, cho biết: Đề kiểm tra không nhất thiết là một bài viết, mà đôi khi là một đề về tình huống và HS vận dụng khả năng, kiến thức để giải quyết tình huống thông qua vấn đáp, thuyết trình, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, hay một sản phẩm video để nộp bài kiểm tra…

Việc này được thực hiện ngay trong tiết học để tích hợp đánh giá vào quá trình dạy học. Việc ra đề, về hình thức đảm bảo tính bảo mật, chuẩn xác, khoa học. Về nội dung kiến thức vừa có thể kiểm tra được các kỹ năng cần thiết của đặc trưng bộ môn vừa phân loại được năng lực của HS.

Thầy Hoàng Văn Chường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phượng Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ), cho hay, với đánh giá thường xuyên môn Ngữ văn, nhà trường triển khai đa dạng hình thức: Bài tập, sản phẩm nói - nghe, bài viết, bài kiểm tra, kết hợp đánh giá trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng công nghệ. Đánh giá định kỳ triệt để thực hiện các quy định tại Thông tư 22, chương trình, các văn bản chỉ đạo, mới nhất là Công văn 3175 của Bộ GD&ĐT. Thực hiện các nghiệp vụ kỹ thuật chuyên môn đổi mới theo yêu cầu: Có câu hỏi trắc nghiệm khách quan, sử dụng các ngữ liệu đánh giá ngoài SGK đã giảng dạy. Giáo viên thực hiện nguyên tắc “căn cứ vào chương trình để đánh giá chứ không căn cứ SGK”.

Lưu ý đặc thù môn học

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới về ra đề kiểm tra môn Ngữ văn, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, đề kiểm tra cần bảo đảm cấu trúc có đủ kỹ năng đọc hiểu và viết. Nội dung đọc hiểu cần xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan, tự luận với đầy đủ mức độ nhận thức từ phát hiện đến thông hiểu, vận dụng và phổ rộng kiến thức ở cả phân môn Tập làm văn, Tiếng Việt, Văn bản; câu hỏi cần có tính phân loại HS.

Tăng cường những câu hỏi cảm thụ văn bản và kết nối cuộc sống để đảm bảo tính mở của đề cũng như phát huy được năng lực của HS. Bảo đảm kỹ thuật ra đề kiểm tra (đặc biệt phần trắc nghiệm) để tránh những lỗi về hình thức và nội dung, hướng tới xây dựng hệ thống câu hỏi chất lượng từ đúng đến hay. Lựa chọn ngữ liệu (đặc biệt là ngữ liệu ngoài chương trình) cần có nguồn bảo đảm, dung lượng phù hợp và có ý nghĩa giáo dục.

“Câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra môn Ngữ văn có tác dụng giúp giáo viên kiểm tra được kiến thức và kỹ năng của HS trên diện rộng (so với câu hỏi tự luận là kiểm tra kiến thức HS về độ sâu). Tuy nhiên, cần lưu ý bảo đảm chất lượng câu hỏi trắc nghiệm, cũng như đặc trưng của bộ môn khi xây dựng hệ thống câu hỏi.

Theo đó, câu hỏi trắc nghiệm bảo đảm phổ rộng kiến thức, kỹ năng ở cả mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng; bao quát kiến thức ở cả phân môn Tập làm văn, Tiếng Việt, Văn bản. Cần bảo đảm đúng kỹ thuật ra đề kiểm tra trắc nghiệm để tránh những lỗi cả về phần dẫn và phương án trả lời, về hình thức và nội dung. Số lượng câu hỏi trắc nghiệm cần phù hợp với từng khối lớp. Nội dung câu hỏi đảm bảo ý nghĩa và giàu chất văn” - bà Nguyễn Thị Kim Thoa lưu ý.

Cũng quan tâm đến việc bảo đảm đặc thù bộ môn, từ thực tiễn tại Trường THPT Diệp Minh Châu, cô Thanh Huyền chia sẻ: Đầu tiên cần chọn ngữ liệu hay, đậm chất văn chương, đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng về thể loại cần kiểm tra; nội dung, ý nghĩa mang tính giáo dục, tính thực tiễn cao, có thể vận dụng tốt vào đời sống và phát huy được khả năng nhận thức, liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo của HS.

Hệ thống câu hỏi cần ngắn gọn, chính xác, khoa học, đi vào trọng tâm vấn đề cần kiểm tra và có hệ thống từ thấp đến cao, từ cơ bản đến nâng cao, có mở rộng, liên hệ thực tiễn. Không nên rập khuôn khi đi theo một số mẫu đề có sẵn. Cần linh động, mạnh dạn thay đổi câu hỏi tùy theo năng lực của nhóm HS, đặc thù địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, thầy Hoàng Văn Chường nhấn mạnh, căn cứ ra đề đánh giá là chương trình, không phải SGK. Người ra đề tránh yêu cầu ghi nhớ máy móc. Đề sử dụng các dạng câu hỏi cho phép học sinh sáng tạo, được bộc lộ ý kiến cá nhân, tập trung đánh giá yêu cầu quan trọng. Hướng dẫn chấm phải mở, bám sát yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực mà chương trình quy định…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học – THCS xã Đăk Ui thăm nom, tặng quà cho cựu chiến binh A Danh. Ảnh: NTCC

Chung tay xoa dịu những nỗi đau

GD&TĐ - Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng vẫn còn những bà mẹ, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ… cần được giúp đỡ, hỗ trợ.

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Hỏm Hốc tìm hiểu mô hình kinh tế của gia đình chị Lò Thị Mông.

Chị Mông làm kinh tế giỏi

GD&TĐ - Trong cuộc sống vô vàn khó khăn, chị Lò Thị Mông đã vươn lên để trở thành một trong những hội viên làm kinh tế giỏi ở Tuần Giáo (Điện Biên).

Trường ĐH Thủy lợi tổ chức thăm và tặng quà gia đình có công ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Tri ân những mất mát, hy sinh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương, trường học đã có nhiều hoạt động để lan tỏa lòng biết ơn đến gia đình có công.

9 cách học làm người con hiếu thuận

9 cách học làm người con hiếu thuận

GD&TĐ - Người ta nói "nhìn cha mẹ sẽ ra con cái, nhìn con cái sẽ biết cha mẹ chúng là ai?”. Trước khi muốn làm cha mẹ tốt hãy học cách làm đứa con tử tế.

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Buổi nghe kể chuyện về lịch sử của học sinh Trường THCS Vừ A Dính (Tuần Giáo) thông qua những bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Văn

Thắp sáng truyền thống cách mạng

GD&TĐ - Mỗi dịp Hè, ngành Giáo dục Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thắp sáng truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước...