Chọn ngữ liệu phù hợp cho đề kiểm tra Ngữ văn

GD&TĐ - Giáo viên chia sẻ cách lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phù hợp cho đề kiểm tra Ngữ văn đáp ứng yêu cầu mới.

Cô Trần Thị Thảo, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) và học trò trong giờ Ngữ văn.
Cô Trần Thị Thảo, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) và học trò trong giờ Ngữ văn.

Giảm học tủ, dạy tủ

Nhận định có những thay đổi tích cực khi thực hiện ra đề kiểm tra Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, thầy Trần Minh Tâm, giáo viên Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) cho biết: Đổi mới cách ra đề giúp tăng cường tính tự học và rèn kỹ năng đọc cho học sinh. Một số rất ít đọc sách thì với hướng thay đổi đánh giá này, các em chịu khó đọc nhiều hơn. Cùng với việc tránh được tình trạng học tủ, học vẹt, học đối phó, đây cũng là cách giúp học sinh nâng cao năng lực nhận biết và hiểu đúng về đặc trưng của từng thể loại để áp dụng vào những dạng văn bản tương tự.

“Việc kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cũng sẽ giúp giảm bớt tình trạng dạy tủ của giáo viên và áp lực học thêm, học tủ, học vẹt, học đối phó của học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh cần rèn thêm về kỹ năng viết, vì các em chỉ nhận dạng đúng thì chưa đủ, mà phải biết diễn đạt cho hiệu quả. Một số học sinh vì lý do khách quan và chủ quan mà không đọc thêm văn bản khác, không rèn kỹ năng viết thì hoang mang khi phải phân tích, đánh giá một văn bản mới hoàn toàn.” - thầy Trần Minh Tâm cho hay.

Sau một thời gian triển khai việc lấy ngữ liệu đọc - hiểu ngoài sách giáo khoa với môn Ngữ văn 9, cô Vũ Thị Tuyết Mai, giáo viên dạy Ngữ Văn, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) nhận thấy học sinh hứng thú hơn khi tiếp cận các đề đọc hiểu, tích cực thảo luận để tìm câu trả lời. Các em thể hiện quan điểm cá nhân nhiều hơn; tuy nhiên đôi khi suy nghĩ có thể chưa đúng với tinh thần hoặc nội dung đoạn trích dẫn.

“Những thay đổi này theo tôi là tích cực vì sẽ kích thích học sinh khám phá cái mới, không theo lối mòn. Rèn cho học sinh thói quen chủ động suy nghĩ trước một vấn đề mới, không thụ động vào bài giảng của thầy cô.” - cô Vũ Thị Tuyết Mai nhận định.

Cũng có đánh giá tích cực, cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Ngữ Văn, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Học sinh được áp dụng các tri thức đọc hiểu về thể loại để khám phá ngữ liệu mới cùng đề tài hoặc thể loại. Các em cũng được phát huy tư duy sáng tạo (có những kiến giải riêng từ góc nhìn cá nhân). Đề kiểm tra ngoài chương trình hạn chế việc học tủ, học vẹt, vì vậy, học sinh học với tâm thế chủ động và sẵn sàng đón nhận tất cả các ngữ liệu xuất hiện trong bài thi.

Tuy nhiên, khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, giáo viên cần đọc nhiều, có kiến văn rộng, cập nhật thông tin phong phú. Việc thẩm định ngữ liệu cũng là một khó khăn do yêu cầu về thể loại, phù hợp tâm lý lứa tuổi; kho tư liệu tham khảo chưa nhiều, nguồn chưa phong phú.

Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai, Hà Nội.

Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai, Hà Nội.

Để chọn ngữ liệu phù hợp

Khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, theo cô Vũ Thị Tuyết Mai, khó khăn nhất là tìm ngữ liệu phù hợp để vừa có thể tích hợp các kiến thức liên quan về tiếng Việt, tập làm văn vừa rèn cho học sinh kĩ năng trình bày quan điểm cá nhân về một vấn đề nào đó.

Từ khó khăn này, kinh nghiệm được cô Tuyết Mai chia sẻ là: Không lấy các ngữ liệu quá trừu tượng. Ngữ liệu cần ngắn gọn và xác định được các câu hỏi liên quan; đề cập đến các vấn đề giáo dục lối sống, tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bạn bè, mái trường, yêu chuộng hòa bình… Tránh những ngữ liệu có thể hiểu theo ý trái chiều hoặc liên quan đến vấn đề chính trị. “Theo tôi, khi lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho học sinh làm phần đọc - hiểu trong đề kiểm tra là phù hợp.” - cô Tuyết Mai cho biết

Còn theo thầy Trần Minh Tâm, việc tìm ngữ liệu bên ngoài phải dựa trên năng lực chung của các học sinh. Sẽ có sự chênh lệch năng lực trong một lớp, vì thế, trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải đánh giá được năng lực của học sinh để từ đó, chọn những ngữ liệu cho phù hợp.

Khi chọn được ngữ liệu phù hợp thì việc đặt câu hỏi cũng là vấn đề giáo viên cần phải quan tâm. Câu hỏi được đặt ra vừa phải đáp ứng theo yêu cầu ma trận đề kiểm tra đồng thời phải có tính phân hóa nhưng không đánh đố, làm khó học sinh.

Để giảm bớt áp lực trong học tập với cách đánh giá của chương trình mới, trước khi kiểm tra, bản thân tôi có ôn tập cho học sinh. Bên cạnh đó, tôi gợi ý và định hướng một số nguồn, một số ngữ liệu bên ngoài để các em có hướng tìm hiểu, tự học phù hợp. Từ đó, giúp các em cảm thấy đỡ hoang mang, đạt hiệu quả trong kiểm tra. Khi có kết quả tốt thì học sinh sẽ cảm thấy yên tâm với chương trình và hứng thú trong môn học.” - thầy Trần Minh Tâm chia sẻ kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.