Quy định nhân văn

GD&TĐ - “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông” lần đầu tiên được quy định trong Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1/7/2020.

Trước đó, năm 2008, Bộ GD&ĐT đã có quy định về Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 10, lớp 11 và lớp 12 ở cấp THPT. Cụ thể, theo Quyết định số 39/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 10, lớp 11 và lớp 12 ở cấp THPT cấp cho người học có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận trong các trường hợp.

Thứ nhất, người học đã học xong chương trình lớp 10 và được lên lớp theo quy định về đánh giá, xếp loại học sinh THPT. Thứ 2, người học đã học xong chương trình lớp 11 và được lên lớp theo quy định về đánh giá, xếp loại học sinh THPT. Thứ 3, người học đã học xong chương trình lớp 12, được đánh giá, xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém và tổng số buổi nghỉ học trong năm học lớp 12 không quá 45 buổi (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại). Giấy do thủ trưởng cơ sở giáo dục, nơi người học theo học chương trình THPT cấp.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục 2005 lại không quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh đã học xong chương trình THPT nhưng không dự thi tốt nghiệp THPT; hoặc có dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp; chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT.

Việc học sinh chỉ có một minh chứng duy nhất có giá trị pháp lý là bằng tốt nghiệp phổ thông trước hết là thiệt thòi cho người học. Dù không đạt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, hay vì lý do cá nhân mà không tham gia kỳ thi này, thì quyền được ghi nhận đã hoàn thành chương trình học tập của người học là hoàn toàn chính đáng.

Ngoài ra, việc này cũng không khuyến khích việc sử dụng nguồn lực lao động tối ưu của xã hội. Có những công việc hoặc chương trình đào tạo không cần bằng tốt nghiệp phổ thông, nhưng nhìn chung những người đã hoàn thành chương trình 12 năm sẽ có lợi thế hơn so với người chỉ học hết trung học cơ sở. Vì vậy giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông có ý nghĩa cả về mặt xã hội.

Vì những bất cập đó, luật Giáo dục 2019 đã quy định rõ: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi, hoặc thi không đạt yêu cầu  được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Quy định này có ý nghĩa tích cực với người học, đó là sự ghi nhận quá trình học tập, bảo đảm cho  người học quyền lợi chính đáng. Đối với xã hội, quy định này cũng tạo điều kiện tốt hơn cho việc tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực dựa trên trình độ học vấn rõ ràng hơn, ngoài minh chứng bằng tốt nghiệp THPT. Với quy định mới, các em sẽ giảm đi nhiều áp lực, vì dù không vượt qua kỳ thi này vẫn được ghi nhận bằng một chứng nhận có giá trị pháp lý.

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Postdam (CHLB Đức) nhận định: Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo TS Cường, hầu hết các bang ở Đức, học sinh không tốt nghiệp THPT được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT với đầy đủ các bảng điểm từng năm học. Đặc biệt, với giấy chứng nhận này, học sinh có quyền học các trường cao đẳng; và nếu có thêm chứng chỉ thực tập một năm ở một doanh nghiệp, có thể sẽ được theo học ở một trường đại học thực hành mà không cần bằng tốt nghiệp.

Kinh nghiệm trên đây cũng nên được áp dụng tại Việt Nam để khuyến khích học sinh dù chưa đạt được bằng tốt nghiệp phổ thông nhưng con đường học lên của họ không bị khép lại, đặc biệt với các trường cao đẳng, đại học nghề, đại học ứng dung. Điều này không chỉ tăng tính nhân văn của nền giáo dục mà có tác động tích cực đến sự phát triển của lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực về lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...