Quy chế Tuyển sinh và Đào tạo tiến sĩ: Giải mã những băn khoăn, vướng mắc

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, Quy chế Tuyển sinh và Đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT (Quy chế 18) đủ chặt chẽ để kiểm soát chất lượng.

Nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh minh họa
Nghiên cứu khoa học tại Phòng thí nghiệm Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh minh họa

Đồng thời phát huy quyền tự chủ, tự quyết và chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Thúc đẩy đánh giá đi vào thực chất

Sau 4 năm thực hiện Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT (Quy chế 08), PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: Quy chế này có nhiều điểm mới và đột phá. Tuy nhiên, sau 4 năm cho thấy: Số lượng tuyển sinh giảm rõ rệt, trung bình cả nước chỉ đạt được khoảng 35% chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2015. Bên cạnh đó, thời gian đào tạo tập trung 3 năm chưa phù hợp với một số ngành đòi hỏi cần thời gian cho hoạt động nghiên cứu.

Mặt khác, chuẩn đầu vào tương đương IELTS 5.0 là rào cản cho ứng viên các ngành kỹ thuật, công nghệ. Yêu cầu đầu ra cần có bài báo quốc tế chưa phù hợp với một số ngành xã hội, lý luận… “Trên cơ sở đó, việc ban hành Quy chế 18 là cần thiết, khắc phục điểm chưa phù hợp, nhưng vẫn bảo đảm tính ổn định, gắn với thực tiễn” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền khẳng định.

“Việc sửa đổi bổ sung này nhằm đa dạng hóa công bố, thúc đẩy việc đánh giá đi vào thực chất, bảo đảm đánh giá đúng năng lực của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh, tránh trường hợp đối phó, mua bài hoặc đăng bài trên các tạp chí không có uy tín. Đây cũng là quy định thúc đẩy việc nâng cao chất lượng của các tạp chí trong nước” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền nêu quan điểm.

Nêu ý kiến về tiêu chuẩn người hướng dẫn và đầu ra của nghiên cứu sinh, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội viện dẫn: Quy chế bổ sung quy định công nhận các bài công bố trên các tạp chí trong nước được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước quy định (khung điểm đánh giá từ 0,75 điểm trở lên) và do các nhà xuất bản trong nước ban hành cho phép thay thế bài công bố bằng những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao, được công nhận bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Liên quan đến yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đầu vào, TS Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hà Nội cho rằng: Yêu cầu Quy chế 18 đưa ra phù hợp với Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Quy định này nhất quán về trình độ ngoại ngữ với yêu cầu đầu vào ở Quy định về chuẩn chương trình đào tạo (Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT). Chuẩn chương trình đào tạo yêu cầu đầu vào trình độ tiến sĩ có trình độ ngoại ngữ bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương với trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ). Đồng thời, quy định này được chi tiết hóa trong Quy chế 18 để thuận lợi cho cơ sở GDĐH tổ chức tuyển sinh.

Quy chế 18 vừa chặt chẽ, nhưng cũng đủ thông thoáng trong tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo. Ảnh minh họa: Internet
Quy chế 18 vừa chặt chẽ, nhưng cũng đủ thông thoáng trong tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo. Ảnh minh họa: Internet

Chặt chẽ và thông thoáng

Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, Quy chế 18 có nhiều điểm mới so với Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT. Các quy định của Quy chế đủ chặt chẽ để kiểm soát hoạt động đào tạo tiến sĩ, bảo đảm chất lượng. Đồng thời, đủ thông thoáng để các cơ sở GDĐH thực hiện quyền tự quyết, tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh phân tích: Trước hết, Quy chế này được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Đặc biệt, Quy chế đã rà soát rất kỹ những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn đào tạo trình độ tiến sĩ ở các cơ sở GDĐH khi thực hiện Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam như: Tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh, điều kiện bảo vệ luận án…

“Việc bổ sung vào tiêu chuẩn, điều kiện là các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước từ 0,75 điểm trở lên trong danh mục được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận, sách chuyên khảo do nhà xuất bản có uy tín trong nước phát hành là điểm tháo gỡ nút thắt lớn nhất trong công tác đào tạo tiến sĩ hiện nay. Những quy định này sẽ tác động tích cực đến hoạt động đào tạo tiến sĩ, từ tuyển sinh cho đến đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, tháo gỡ những vướng mắc mà cơ sở GDĐH đang gặp phải” - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh trao đổi.

Cho rằng, Quy chế dành nhiều quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo, lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội nhấn mạnh: Điều này hoàn toàn phù hợp với quyền tự chủ đại học được quy định trong Luật. Tuy nhiên, Quy chế cũng quy định trách nhiệm báo cáo, công khai của các cơ sở trong quá trình đào tạo. “Về cơ bản, Quy chế tạo hành lang pháp lý đủ thông thoáng, nhưng cũng không kém phần chặt chẽ nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo từ phía Bộ GD&ĐT, người học và cộng đồng xã hội” - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nói.

Trước những băn khoăn về việc mở rộng các yêu cầu “đầu ra” có thể dẫn đến tình trạng tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ tràn lan, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Quy chế đã quy định rõ việc sinh hoạt chuyên môn của nghiên cứu sinh là quyền lợi và trách nhiệm, thực hiện như giảng viên trợ giảng hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo. Như vậy, việc đào tạo không thể tràn lan, mà phải tập trung vào việc học thật, học có chất lượng. Nghiên cứu sinh phải cân nhắc kỹ khi quyết định theo học, và cần phải được cơ quan cử đi học tập, nghiên cứu một cách chính thức theo hình thức chính quy.

“Ở vai trò quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp và giám sát việc thực hiện triển khai. Chúng ta tiếp tục nỗ lực và có giải pháp cả trong hoạch định chính sách và thực thi trong thực tiễn để đấu tranh và hướng tới chất lượng thực chất” – PGS Nguyễn Thu Thủy nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong giai đoạn trước đây, Quy chế 08 đã có những đóng góp quan trọng trong việc đặt ra các chuẩn đầu ra, nhấn mạnh công bố quốc tế, từ đó tăng cường quản lý chất lượng đầu ra của đào tạo tiến sĩ. Trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng của các lĩnh vực ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận, tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, những thay đổi trong quy chế mới là phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.