Khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ: Nhìn thẳng thực tế để đào tạo thật

Khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ: Nhìn thẳng thực tế để đào tạo thật

Theo chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học, công tác tuyển sinh sau đại học ở trình độ đào tạo tiến sĩ đang gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan và chủ quan, rất cần giải pháp tháo gỡ.

“Bắt mạch” khó khăn

PGS.TS Nguyễn Đắc Trung – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Công tác tuyển nghiên cứu sinh (NCS) gặp nhiều khó khăn. Nhìn vào những trường đại học hàng đầu đất nước về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, số lượng tuyển sinh chỉ đạt 30 - 40% so với năm trước. Có thể nhận thấy, người học có tâm lý lo lắng: Làm NCS vất vả nhưng không biết có thành công hay không? Rất nhiều ứng viên đạt tiêu chuẩn đầu vào trường trong nước, nhưng lại dự định tìm kiếm chương trình làm nghiên cứu ở nước ngoài để yên tâm hơn về khả năng thành công.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), 2 năm nay, kết quả tuyển NCS của nhà trường chỉ đạt khoảng 30% so với trước đây. Trở ngại chủ yếu là do điều kiện tiếng Anh đầu vào cao. Số lượng NCS tuyển sinh được của mỗi chuyên ngành ít, nên việc triển khai các lớp học phần tiến sĩ chưa hiệu quả về mặt quản lý. Việc phân công NCS tham gia vào công tác trợ giảng, hỗ trợ đào tạo còn gặp khó khăn với NCS ngoài trường.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: Trong vài năm trở lại đây, công tác tuyển sinh sau đại học gặp khó khăn lớn. Sự sụt giảm số lượng tuyển sinh diễn ra ở các bậc đào tạo. Đối với đào tạo tiến sĩ, trong 3 năm trở lại đây, số NCS giảm từ 142 người (năm 2013) xuống còn 107 (năm 2017). Các đợt tuyển sinh từ năm 2018 đến nay giảm mạnh hơn, chỉ còn 50 hồ sơ NCS trúng tuyển. Sự suy giảm của số lượng học viên sau đại học bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn viện dẫn: Do sự bão hòa của thị trường lao động đối với nhu cầu lao động có trình độ cao. Hơn nữa, Chính phủ liên tiếp có biện pháp nhằm tinh giản bộ máy hành chính theo hướng gọn nhẹ và tăng cường tính hiệu quả. Điều này cũng triệt tiêu một phần nhu cầu đào tạo sau đại học. Ngoài ra, tác động của các quy định, quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ tới đầu vào rất lớn. Với những quy định mới, nhiều ngành trong trường khó thu hút được người học do yêu cầu về chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra rất cao.

Bên cạnh đó, phải kể đến chậm trễ trong đổi mới chương trình đào tạo cũng như nội dung và phương pháp đào tạo của nhiều đơn vị trong trường. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình đào tạo sau đại học có hệ thống học liệu lạc hậu, thiếu cập nhật. Nhiều học phần không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội học tập, không đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của toàn bộ chương trình. Thậm chí một số chương trình đào tạo không còn phù hợp với nhu cầu học tập của thị trường lao động. Sự thiếu chủ động của nhà trường dẫn tới chính sách hỗ trợ người học thiếu hoặc không đủ mạnh để thu hút ứng viên trong bối cảnh nhiều đơn vị đào tạo khác đẩy mạnh truyền thông và chính sách hỗ trợ học viên.

Nhà trường tự làm mới mình

Từ thực tế trên, GS.TS Hoàng Anh Tuấn đề xuất: Cần tiếp tục xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học theo hướng tiếp cận gần gũi hơn nhu cầu của thị trường. Xác định và cân đối cấu trúc tổng thể chương trình đào tạo tiến sĩ của nhà trường theo hướng ổn định. Duy trì những ngành có tính chất cơ bản, bền vững bên cạnh việc xây dựng các ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, ngắn hạn.

Ngoài ra, cần tăng cường tính liên thông, liên kết toàn diện giữa các đơn vị đào tạo trong trường, nhằm tiết giảm chi phí đào tạo, tận dụng tối đa nguồn lực chuyên gia tại chỗ; đồng thời tháo gỡ nút thắt các quy định về nhân lực liên quan đến mở mới, xây dựng mới chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, cần đầu tư cho công tác tuyển sinh nói chung và tuyển sinh sau đại học nói riêng, đặc biệt là công tác liên kết đào tạo, truyền thông quảng bá các chương trình đào tạo. Cùng với đó, tập trung đầu tư công tác biên soạn học liệu sau đại học, cân đối tỷ lệ giữa các nguồn học liệu liên quan như: Bài giảng, giáo trình, tài liệu dịch; quan tâm hơn chất lượng bài giảng.

PGS.TS Nguyễn Đắc Trung cho rằng: Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, trước hết các đơn vị liên quan cần coi đào tạo tiến sĩ là đào tạo tinh hoa, đào tạo đội ngũ cán bộ làm khoa học, phát triển khoa học và tiếp tục dẫn dắt khoa học nước nhà. Như vậy cần có sự đầu tư thực sự cho nghiên cứu, gắn chặt công tác đào tạo kỹ năng, năng lực nghiên cứu chuyên nghiệp vào các đề tài, dự án của cơ sở đào tạo. Việc đầu tư này phải được Nhà nước cấp kinh phí, cơ sở đào tạo quan tâm trang bị cơ sở vật chất, chính sách học bổng và tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho NCS; hơn nữa cần doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu từ cơ sở đào tạo tới doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.