Quảng Bình: Chàng kỹ sư trẻ “hứa hẹn” thu tiền tỷ từ nuôi cá chình

GD&TĐ - Ra trường với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, sau những tháng năm bôn ba, Nguyễn Văn Thanh trở về làm ăn trên mảnh đất quê hương. Đến nay, mô hình nuôi cá chình của anh đang “hứa hẹn” cho thu nhập tiền tỷ.

Hiện tại cá đạt 1 kg/con, đã được thương lái đặt mua với giá 550.000 đồng/kg
Hiện tại cá đạt 1 kg/con, đã được thương lái đặt mua với giá 550.000 đồng/kg

Về quê khởi nghiệp với sản phẩm độc, lạ

Năm 2013 sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, Nguyễn Văn Thanh (SN 1990) ở thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đã bôn ba vào miền Nam xin làm ở nhiều công ty như bao thanh niên trẻ khác.

Sau những năm tháng ở xứ người với đồng lương hạn hẹp cũng chỉ đủ chi tiêu hàng ngày, anh Thanh đã nhen nhóm và quyết tâm trở về xây dựng mô hình kinh tế ngay trên chính mảnh đất của quê hương của mình.

Cuối 2017, anh trở về quê và bắt đầu thực hiện việc xây dựng mô hình kinh tế. Anh xác định hướng đi là tìm các sản phẩm nông nghiệp mang tính độc, lạ, dễ làm và dễ tiêu thụ. Sau thời gian dài tìm tòi và suy tính, anh đã quyết định khởi nghiệp bằng việc nuôi cá chình. Khi đã xác định được sản phẩm, anh đã thuyết phục gia đình và được gia đình ủng hộ.

Bước đầu chưa vội vàng xây dựng chuồng trại mà thay vào đó anh bổ sung cho mình thêm về kiến thức chăn nuôi cá chình. Ngoài tìm hiểu kiến thức trên mạng từ các chuyên gia, anh đã trực tiếp đến các mô hình nuôi cá chình ở địa phương khác để học hỏi. Cuối năm 2018, anh bắt đầu việc thả nuôi thử nghiệm và cho kết quả rất khả quan. Từ đó anh Thanh đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho thả giống đại trà.

Anh Thanh cho biết, trải qua thời gian nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm, cũng như việc thả thử nghiệm thành công, nhưng khi tiến hành thả đại trà lại đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn, đối tác đầu ra, rồi ứng thức ăn, giống…

Quy mô 3 hồ nuôi với 4.000 con giống.
Quy mô 3 hồ nuôi với 4.000 con giống.

Lứa cá “hứa hẹn” cho thu nhập tiền tỷ

Vượt qua những trở ngại, khó khăn, tháng 7/2020 lứa cá giống đầu tiên của anh Nguyễn Văn Thanh chính thức được thả nuôi. Trời không phụ công người có chí, lứa cá thả đại trà đầu tiên của Thanh phát triển từng ngày. Hiện, với 3 hồ, anh có khoảng 4.000 con cá chình, trọng lượng khoảng 1 kg/con và chỉ khoảng 3 - 5 tháng nữa, số cá chình này sẽ được xuất bán.

Với giá khoảng 550.000 đồng/kg, trong 3 - 5 tháng tới, anh sẽ xuất bán được khoảng gần 4 tấn cá, tương đương với số tiền gần 2 tỷ đồng. Ước tính ban đầu, anh sẽ thu lời gần một tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

“Là người đầu tiên nuôi cá chình theo mô hình làm bể nuôi khép kín ở huyện Quảng Trạch, bước đầu nuôi bản thân tôi rất lo lắng. Lo vì tất cả vốn liếng để đầu tư đều là vay mượn, nếu có bất trắc thì không biết lấy gì mà trả. Nên suốt thời gian dài cứ chợp mắt một lát lại dậy ra xem các ao cá. Nay thấy cá phát triển ổn định, tôi mới bớt lo hơn nhiều”, anh Thanh cho biết.

Chàng kỹ sư 9X đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho việc xây dựng trang trại và con giống.
Chàng kỹ sư 9X đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho việc xây dựng trang trại và con giống.

Theo anh Nguyễn Văn Thanh, cá chình dễ nuôi và ít bệnh tật. Tuy nhiên, cá chình phải nuôi trong môi trường ít ánh sáng, thức ăn cũng phải là bột chuyên dụng, nước bể cá gần như ngày nào cũng phải thay mới để bảo đảm môi trường sinh sống.

Để con cá chình phát triển tốt, người nuôi phải nắm bắt được đặc tính của cá là ban ngày ngủ, chỉ ăn vào buổi đêm, khu vực nuôi phải yên tĩnh. Bên cạnh đó, cứ sau 3 tháng cần phải phân loại cá để có chế độ ăn phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch cho biết, địa phương này là vùng đất cát, vô cùng khắc nghiệt. Người dân chủ yếu sống dựa vào nghề biển hoặc trồng keo tràm. Các mô hình kinh tế ở đây rất ít, chủ yếu là chăn nuôi truyền thống rất ít có các mô hình chăn nuôi quy mô, có hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Hiền, mô hình nuôi cá chình của anh Nguyễn Văn Thanh đang mang lại những tín hiệu tích cực trong việc thay đổi tư duy của người dân. Thời gian tới, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình này để bà con áp dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, xã sẽ có chính sách để hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp về quỹ đất, vay vốn khi người dân có nhu cầu.

Dự định, sau khi lứa cá  đầu tiên này xuất bán và mang lại nguồn thu, anh Thanh sẽ mở rộng quy mô nuôi cá chình và thuê thêm lao động để làm. Không dừng lại ở cá chình, anh có kế hoạch nuôi thêm cả chồn hương. Mới đây, anh Thanh đã thành công nhân giống chồn hương để đợt tới đưa vào nuôi đại trà. Anh cũng cho biết thêm, ngoài mục đích phát triển kinh tế mang lại nguồn thu nhập thì anh cũng mong muốn mô hình phát triển về quy mô để tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.