Nói về cơ duyên đến với nghề ướp trà, Duyệt cho biết khi đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, người cậu mang về một ít trà Shan Tuyết (Hà Giang). Sau khi được thưởng thức loại trà này, trong đầu Phạm Thế Duyệt bỗng nảy ra ý định làm trà.
Nhưng để bén duyên với nghề ướp trà chỉ thực sự bắt đầu khi Duyệt ra trường vào năm 2013.
Theo lời người anh rể đang ở Hà Giang, Duyệt lên Hoàng Su Phì và tận mắt chứng kiến những cây trà cổ thụ, tình yêu với trà trở lại mạnh mẽ khiến anh Duyệt đi tới quyết định phải học bằng được cách ướp trà.
Sau nhiều năm tìm hiểu cũng như mày mò tự học, anh Duyệt nắm vững kỹ thuật ướp một số loại trà. Đặc biệt với trà sen, anh Duyệt cho biết mùa hè là lúc sen cho chất lượng tốt nhất để làm trà.
Làm trà sen với chàng kỹ sư là cả một đam mê dù gặp nhiều khó khăn. Mỗi địa phương làm trà sen nổi tiếng như Hồ Tây hay Phủ Lý (Hà Nam)... đều có bí quyết khác nhau, riêng với anh Duyệt, anh lại chọn trà Shan Tuyết (Hà Giang) làm nguyên liệu.
Trà Shan Tuyết mọc núi cao trong vùng không khí sạch, có cánh to tuy nhiên lại gặp khó khăn khi ướp bởi cần nhiều sen hơn các loại trà khác. Để làm ra một ấm trà ngon đúng chất trà sen với loại trà Shan Tuyết cần phải thông hương (trộn lại trà và gạo sen) nhiều để giảm bớt độ ẩm giúp trà không bị ủng.
Năm 2019, trong cuộc thi Tea Masters Cup Việt Nam (Hoàng Su Phì, Hà Giang), anh Duyệt giành hai giải Nhất (nội dung pha trà và thử nếm trà). Chàng kỹ sư ấp ủ ước mơ muốn bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam như một cái nôi của trà.