Người đầu tiên đỗ đại học trong xã
Bùi Ngọc Tùng sinh năm 1989. Bạn bè hay gọi Tùng là “Tùng đảo” vì quê Tùng ở xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Xã đảo này là đỉnh phía đông trong vùng tam giác bảo vệ tuyệt đối của di sản thiên thiên thế giới vịnh Hạ Long.
Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng của trường Đại học Xây dựng, anh xin được việc vào một công ty, làm công việc tư vấn giám sát xây dựng, làm việc ngay tại Hà Nội.
“Lương em trung bình mỗi tháng khoảng 10 triệu, em chưa lập gia đình nên như thế cũng tạm đủ, không phải chật vật lắm”.
Tùng kể chuyện: “Xã đảo quê em có hai đảo là Cống Đông và Cống Tây. Hồi em đỗ đại học, bố mẹ vui lắm vì em là người đầu tiên ở Cống Đông đỗ đại học. Lúc em thi đại học cũng không nghĩ ngợi nhiều về việc chọn trường mà thi luôn đại học Xây dựng. Em nghĩ đơn giản là nghề này lúc nào cũng cần người, không lo thiếu việc. Gia đình em cũng bình thường, không có quan hệ gì nên học ngành này để dễ tìm việc”.
“Sau khi ra trường em ở lại và đi làm luôn ở Hà Nội. Em vẫn về quê thường xuyên”.
Đảo Cống Đông, Cống Tây từ hàng trăm năm trước đã được khai thác như là một trong những bến tàu cổ thuộc hệ thống Thương cảng Vân Đồn, từ năm 2003, nơi này đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia.
“Mấy năm lăn lộn ở Hà Nội, mỗi lần về quê em lại thấy tiếc anh ạ. Tiềm năng du lịch ở đây quá lớn mà chưa được khai thác đúng tầm của nó. Em rất thương bố mẹ và thương bà con trên đảo”.
Kể chuyện quê nhà, Tùng hào hứng lên hẳn: “Hai đảo ở xã em nhìn như hai cái bánh mì kẹp nhau. Phần lớn dân làm nghề đi biển. Đi biển cũng ra tiền vì công cao lắm nhưng cứ về nhà độ nửa tháng, ráo mồ hôi là hết tiền ngay. Thế nên người quê em vất vả lắm”.
Vậy là trừ những lúc công việc bề bộn, cứ khi nào rảnh, Tùng lại lên đường đi du lịch. Mỗi chuyến đi của Tùng vừa là thỏa chí tuổi trẻ, vừa thêm một lần tích cóp kinh nghiệm về cách làm du lịch. Vừa đi, vừa học, vừa kết giao với những người cùng chí hướng, đến bây giờ thì Tùng quyết định về quê.
Làm du lịch xanh theo hướng bền vững
Trong cuộc trò chuyện, Tùng thỉnh thoảng lại nghe điện thoại. “Người ở đảo gọi em đấy anh ạ”. Tùng giải thích luôn: “Ở quê em nhiều người mải đi biển nên có khi những chuyện đời sống hàng ngày họ không để ý. Mỗi lần em về quê, ai có thắc mắc gì về đời sống, chính sách em đều trả lời, hướng dẫn họ làm cho đúng quy định của Nhà nước. Có việc gì gấp mà chưa gặp em thì lại gọi điện thoại cho em, em đều trả lời hết. Lâu dần cũng thành quen thôi”.
Thấy tôi vẫn ngạc nhiên, Tùng đọc vanh vách những con số của quê nhà: “Xã em giờ có 1624 dân, 495 hộ. Hai đảo Cống Đông, Cống Tây ở ngay gần nhau, chỗ gần nhất chỉ cách nhau khoảng 60 mét”.
Tôi hỏi: “Thế bây giờ về quê thì chú làm gì?”. Tùng trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Thế mạnh của quê em là du lịch đảo. Nhưng bây giờ cách làm vẫn manh mún quá, chưa kể rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, môi sinh. Em sẽ làm du lịch xanh theo hướng bền vững chứ không ăn xổi được”.
Hiện em đã và đang thử nghiệm mô hình du lịch biển theo hướng du lịch mạo hiểm, khám phá, có cả mô hình du lịch khám phá cho gia đình, tức là phải phù hợp với cả trẻ em chứ không chỉ người lớn. Vừa khám phá những đảo nhỏ trong vịnh Hạ Long, vừa tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng vịnh này.
“Bản thân đảo Cống Đông, Cống Tây cũng vốn nằm trong hệ thống thương cảng Vân Đồn, vết tích lịch sử văn hóa từ thời Trần cách đây hàng trăm năm vẫn còn nhiều lắm, nhưng không nói về nó thì chẳng mấy trẻ con lớn lên sẽ quên hết anh ạ”.
Nghe Tùng nói, nhìn Tùng làm, tôi thấy câu chuyện “phát triển bền vững” không chỉ là nói suông. Một ví dụ nhỏ như mỗi khách đi chơi, Tùng phát kèm mấy bịch giấy, bịch ni lông, ăn uống xong thì tự thu dọn rác của chính mình, mang về đúng chỗ xử lí rác mà vứt chứ không tùy tiện xả xuống biển. Tùng “đảo” cũng đã có một tàu câu mực, và thử nghiệm một số trò chơi dưới nước ở ven bờ như xe đạp nước khá thú vị.
Tùng nói, “sau này có tiền, em sẽ phát triển thêm một số ngành phục vụ hậu cần nghề cá như cơ khí, nước đá, chế biến. Bà con ở đảo, đi biển nhiều lúc thiếu đủ thứ, mỗi lần thiếu lại phải chạy cả tiếng vào đất liền, vừa mất công, vừa tốn tiền dầu lắm anh ạ”.
“Ngoài ra, em muốn xây cầu vượt biển nối hai đảo Cống Đông và Cống Tây quá. Cho bà con đi lại đỡ vất vả. Rồi còn muốn vận động bà con, đề nghị chính quyền cho quy hoạch khu nghĩa trang cho gọn, làm nghĩa trang tập trung, xa hẳn khu dân cư ra…Em muốn làm nhiều thứ lắm”.
Tôi hỏi, về quê Tùng có tiếc gì ở Hà Nội không, cậu khảng khái nói: “Em về quê là đúng, về quê trả chữ hiếu cho bố mẹ nuôi em lớn, trả cái nghĩa với biển, với người dân ở đảo đã dạy em lớn khôn anh ạ”.