Trở về làm “người bình thường”
Sau khi giành vòng nguyệt quế trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19, Trần Thế Trung trở về với guồng quay học tập bình thường của cậu học sinh lớp 12A3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Điều khác biệt hơn một chút, “bây giờ có nhiều người biết đến, em vẫn chưa quen với cảm giác mình là người “hơi nổi tiếng”, nam sinh hóm hỉnh nói.
Nhắc lại trận chung kết vừa qua, Trung đánh giá 3 bạn Nguyễn Hải Đăng (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa), Nguyễn Bá Vinh (Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ), Đoàn Nam Thắng (Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk) đều xuất sắc, kiến thức sâu rộng. Trong đó, Hải Đăng là đối thủ đáng gờm nhất, vươn lên dẫn trước Trung ở phần thi Vượt chướng ngại vật, sau đó bám sát Trung đến tận phần thi cuối cùng.
Nhìn lại 2 năm theo đuổi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và nhất là trận chung kết, Trần Thế Trung chia sẻ: “Bản thân em đã thay đổi nhiều từ cuộc thi, không chỉ là kiến thức các lĩnh vực xã hội mà em được giao lưu, làm bạn với nhiều bạn bè. Cộng đồng Olympia như một gia đình và đôi khi như một xã hội thu nhỏ để em học được cách ứng xử với mọi người”, nam sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết.
Theo đuổi đam mê và hoàn thiện mình
Thế Trung và người thân trong giây phút giành vòng nguyệt quyết Olympia 2019 |
Thời điểm Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19 bước vào chặng cuối, trên khắp các diễn đàn, vấn đề các nhà quán quân “du học Australia – đi và về” lại được đưa ra bàn luận. Nói điều này, Trần Thế Trung bày tỏ: Du học để tìm kiếm cơ hội, tích lũy kiến thức cho bản thân. Hiện nhiều nước muốn đầu tư vào Việt Nam, nên du học để đón đầu xu thế mới, có thể trở về cống hiến cho quê hương hoặc ở lại nước sở tại làm việc nhưng dẫu sao vẫn là người Việt Nam. Nước ta đã có nhiều nhà khoa học làm rạng danh đất nước trong khi họ sống, làm việc ở nước ngoài.
Do vậy, du học là ước mơ của em, để thỏa niềm đam mê, hoàn thiện chính mình. Bởi từ trước đến nay, Trung sống khá an toàn, trong sự chăm lo của bố mẹ, thầy cô và chưa có điều kiện để thay đổi, cho mình nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm hơn để trưởng thành. “Em chọn khoa phù hợp với ước mơ về công nghệ thông tin và truyền thông của mình. Học xong sẽ trở về, vì ngành yêu thích của em đang có cơ hội phát triển tốt ở nước ta. Hơn nữa, đối với em, Việt Nam là nơi thoái mái để sống và làm việc”, Trung chia sẻ.
Ít ai biết rằng, để đăng ký thi Đường lên đỉnh Olympia, Trung phải vượt qua nhiều thử thách ban đầu từ chính thầy cô và nhà trường. Bởi năm lớp 10, Trung đậu thủ khoa đầu vào lớp chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, là học sinh nguồn cho đội tuyển HS giỏi quốc gia của nhà trường. Nhưng em đã xin rút khỏi đội tuyển để theo đuổi “đỉnh núi Olympia”.
Thầy Trần Ngọc Thắng – GV chủ nhiệm lớp đã nói với Trung: “Nếu đã quyết định như thế, em phải giành chiến thắng ở cuộc thi trường để chứng minh năng lực của mình, để thầy cô tin tưởng và ủng hộ em”. Và kết quả, Trần Thế Trung đã chiến thắng ở thử thách của trường và từng bước vượt qua các cuộc thi tuần, tháng, quý và đem vinh quang về cho quê hương.
Với Trung, điều may mắn nhất là bố mẹ luôn tạo điều kiện, quan tâm, và tôn trọng những quyết định của em. Trong thời gian chuẩn bị các vòng thi Olympia, mẹ là người đọc câu hỏi cho Trung trả lời. Trước khi bước vào trận chung kết, mẹ nói với Trung: “Con đừng quan trọng chuyện thắng hay thua. Đường lên đỉnh Olympia là một gameshow. Nếu thắng thì vui mừng, nhưng không giành được vòng nguyệt quế cũng không phải là thất bại, bởi đi được đến vòng chung kết đã là thành công”. Và tất cả sự cổ vũ của các bạn, thầy cô, gia đình, Trung xem đó là động lực để em cố gắng chứ không phải là áp lực.
Nói về việc từ bỏ con đường vào đội tuyển HS giỏi quốc gia, Trung không có gì hối tiếc. Bởi nếu vào đội tuyển, bản thân học sinh phải “đánh đổi” rất nhiều về thời gian và các hoạt động khác. Phần lớn những người đoạt giải HS giỏi quốc gia sau đó đi theo định hướng nghiên cứu, mà theo em là không phù hợp với mình. Dù vậy, Trung vẫn giành giải Nhất HS giỏi tỉnh để “hoàn thành nhiệm vụ” là một học sinh chuyên Vật lý. Và trở về từ đỉnh vinh quang, em bắt tay vào “làm lại mục tiêu cuộc đời” là học tập chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia như bất cứ học sinh lớp 12 nào khác; Tích lũy vốn tiếng Anh để thi IELTS và tích cực trong các hoạt động ngoại khóa.
Trung góp mặt trong các CLB Âm nhạc, Bóng rổ, Báo chí truyền thông, Mô phỏng Liên Hợp Quốc… Đó là cách để em “tận hưởng” khoảng thời gian được tự do thực hiện sở trường, làm điều mình thích. Và đang cố gắng phát triển CLB Olympia của trường do em làm chủ nhiệm. “Đỉnh Olympia như là một biểu tượng của con đường chinh phục tri thức. Em mong các bạn đến với cuộc thi bằng đam mê, tình yêu của mình, đừng quan trọng giải thưởng, hay thắng bại. Mỗi năm chương trình chỉ có hơn 140 học sinh, nếu may mắn được lọt vào hãy thể hiện hết mình”, quán quân Olympia năm 19 nhắn nhủ.