Quân đội Mỹ biến xung đột thành 'phòng thí nghiệm'

GD&TĐ - Tướng cấp cao của quân đội Mỹ chia sẻ với New York Times rằng, cuộc xung đột Ukraine là một dịp cho quân đội Mỹ trong thử nghiệm công nghệ mới.

Xung đột Ukraine là vận may để quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm công nghệ mới.
Xung đột Ukraine là vận may để quân đội Mỹ tiến hành thử nghiệm công nghệ mới.

Trung tướng Christopher T. Donahue, người chỉ huy Sư đoàn Dù 18 của Quân đội Mỹ nói với New York Times rằng, cuộc xung đột Ukraine là một dịp may để quân đội Mỹ có "phòng thí nghiệm" cho các nghiên cứu công nghệ quân sự.

Tờ báo Mỹ cho biết, quân đội Mỹ đang sử dụng cuộc xung đột ở Ukraine để thử nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo mới giúp phát hiện các mục tiêu trên chiến trường bằng cách sử dụng cảnh quay của máy bay không người lái.

Nghiên cứu về công nghệ này ban đầu là Google trong một hợp đồng với Chính phủ Mỹ trị giá 9 triệu USD từ 6 năm trước. Dự án được gọi là Maven đã bị bỏ dở bởi các kỹ sư Google từ chối tham gia xây dựng công cụ AI phục vụ mục đích quân sự.

Gã khổng lồ công nghệ Google đã rút lui khỏi dự án và dự án Maven sau đó đã được các nhà thầu khác tiếp quản.

Giờ đây, công nghệ này đang được thử nghiệm trên tiền tuyến ở Ukraine, khi các sĩ quan phương Tây và Ukraine, cùng với một số nhà thầu quân sự hàng đầu của Thung lũng Silicon đang “khám phá những cách mới để tìm và khai thác các lỗ hổng của Nga”.

Dự án Maven cho phép các chỉ huy xác định chuyển động của lực lượng Nga và sử dụng thuật toán AI để dự đoán các bước tiếp theo của họ. Dự án Maven được kỳ vọng tạo thành một thành phần quan trọng trong nỗ lực của quân đội Mỹ nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho những người lính đang chiến đấu với quân xâm lược Nga.

Cuộc chiến ở Ukraine, trong suy nghĩ của nhiều quan chức Mỹ, là "một vận may" cho quân đội Mỹ, nơi thử nghiệm Dự án Maven và các công nghệ phát triển nhanh chóng khác, bao gồm công nghệ trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào máy bay không người lái.

“Cuối cùng thì nơi này đã trở thành phòng thí nghiệm của chúng tôi,” Trung tướng Christopher T. Donahue nhận xét.

Eric Schmidt, người đã có 16 năm làm giám đốc điều hành của Google và hiện đang trong một dự án nghiên cứu phát triển thế hệ máy bay không người lái tự động mới đã kỳ vọng có thể cách mạng hóa chiến tranh ở Ukraine. Ông nói: "Ukraine đã trở thành phòng thí nghiệm về máy bay không người lái trên thế giới”. Ông đã miêu tả về sự xuất hiện đột ngột của hàng trăm công ty khởi nghiệp về máy bay không người lái ở Ukraine thuộc mọi loại hình.

Nhưng đến mùa thu năm 2023, ông bắt đầu lo lắng rằng chỉ riêng lợi thế đổi mới của Ukraine là chưa đủ. Và Schmidt bắt đầu một chương trình nghiên cứu khác: máy bay không người lái tự động, rẻ tiền hơn nhiều, sẽ phóng thành đàn và sẽ liên lạc với nhau ngay cả khi chúng mất kết nối với người vận hành trên mặt đất. Ý tưởng là một thế hệ vũ khí mới có thể học cách né tránh hệ thống phòng không của Nga và tự cấu hình lại nếu một số máy bay không người lái trong đàn bị bắn hạ.

Không rõ liệu Mỹ vốn đã quen với việc chế tạo những chiếc máy bay không người lái tinh xảo trị giá 10 triệu USD, có thể chuyển sang các mẫu máy bay dùng một lần hay không. Đồng thời, cũng có những tranh cãi về việc máy bay không người lái được điều khiển bằng công nghệ AI có thể thực hiện nhiệm vụ nhắm mục tiêu vào một con người.

Phòng thí nghiệm công nghệ quân sự của Mỹ có thành công không?

Các kết quả thử nghiệm được cho là khó đánh giá. Tờ báo Mỹ so sánh rằng, ứng dụng công nghệ này vào chiến trường không khác nào việc "đưa dữ liệu của thế kỷ 21 vào chiến hào của thế kỷ 19".

Cũng không rõ liệu công nghệ mới có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột hay không, do khả năng của Nga trong việc thích ứng nhanh chóng với các công nghệ đang được phía Ukraine sử dụng.

“Khi công nghệ mới gặp phải sự tàn bạo của chiến tranh chiến hào kiểu cũ, kết quả hiếm khi như những gì các nhà hoạch định Lầu Năm Góc mong đợi”, tờ báo Mỹ đánh giá.

Nhưng nếu cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào Ukraine là nơi thử nghiệm nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc nắm bắt công nghệ tiên tiến, thì đó cũng là một lời nhắc nhở về giới hạn của công nghệ để xoay chuyển cuộc chiến.

Khả năng đẩy lùi cuộc xâm lược của Ukraine được cho là phụ thuộc nhiều hơn vào việc cung cấp mới các loại vũ khí và đạn dược cơ bản, đặc biệt là đạn pháo.

Những máy bay không người lái như thế này của Ukraine hiện được trang bị một dạng Trí tuệ nhân tạo cơ bản. Ảnh: CNN

Những máy bay không người lái như thế này của Ukraine hiện được trang bị một dạng Trí tuệ nhân tạo cơ bản. Ảnh: CNN

Hai năm đầu tiên của cuộc xung đột cũng cho thấy Nga đang thích nghi nhanh hơn nhiều so với dự đoán với công nghệ mang lại lợi thế ban đầu cho Ukraine.

Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Nga hầu như không sử dụng khả năng tác chiến điện tử của mình. Ngày nay, nó đã tận dụng tối đa chúng, làm bối rối làn sóng máy bay không người lái mà Mỹ đã giúp cung cấp. Ngay cả những tên lửa HIMARS đáng sợ mà Tổng thống Biden đã cố gắng trao cho Kiev, vốn được cho là sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trên chiến trường, đôi khi cũng bị định hướng sai khi người Nga học cách can thiệp vào hệ thống dẫn đường.

Tướng Mark A. Milley, người đã nghỉ hưu vào năm ngoái với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã chia sẻ rằng: "Trong một thời gian, chúng tôi đã nghĩ rằng đây sẽ là một cuộc chiến tranh mạng". "Sau đó chúng tôi nghĩ nó trông giống như một cuộc chiến tranh xe tăng kiểu cũ trong Thế chiến thứ Hai". Sau đó, ông nói rằng, "có những ngày dường như họ đang tham gia Thế chiến thứ Nhất"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.