Khó khăn không đáng có!

GD&TĐ - Trong bối cảnh hiện nay mà doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh - đây là điều không nên có.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vài ngày trước, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp tháng 5/2023 và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Báo cáo cho thấy doanh nghiệp đang ở trong bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số gần 10 nghìn doanh nghiệp tham gia khảo sát, có tới 82,3% dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô lên tới 38,5% và giảm nhẹ quy mô là 20,5%.

Theo kết quả khảo sát, khó khăn, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là về đơn hàng (59,2%); tiếp đến là khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%); thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).

Kết quả này tương đồng với đánh giá của doanh nghiệp trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá là chuyển biến tốt hoặc rất tốt về 10 chỉ số của các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đều sụt giảm so với năm trước đó.

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay mà doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh - đây là điều không nên có.

Chính phủ dù rất quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng cảm nhận của doanh nghiệp cho thấy kết quả chưa được như mong đợi.

Nếu như những khó khăn bên ngoài, khó khăn khách quan - về cầu thị trường, về diễn biến kinh tế và địa chính trị thế giới chúng ta không thể can thiệp thì cải thiện thủ tục hành chính, cải cách môi trường kinh doanh là việc “trong tầm tay”. Hơn lúc nào hết, quyết tâm cải cách cần được hun đúc lại!

Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không quá 1 năm/lần - như kiến nghị của doanh nghiệp trong khảo sát của Ban IV. Khi xử lý các vướng mắc phát sinh, các bộ, ngành không tạo thêm thủ tục hành chính khác, không chuyển từ tắc nghẽn này sang tắc nghẽn khác.

Đồng thời, không ban hành các quy định mới làm phát sinh chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu vì mục đích quản lý Nhà nước mà không thể không ban hành thì Chính phủ nên tính đến cơ chế hỗ trợ chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp

Đặc biệt, giờ là lúc phát huy “thủ tục tự động, thủ tục bằng không”. Chẳng hạn, để giải quyết tình trạng ùn tắc đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất xe cá nhân đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải khi hết hạn kiểm định sẽ được tự động giãn chu kỳ.

Với tinh thần “thủ tục bằng không”, việc gia hạn đăng kiểm xe ô tô nên được thực hiện chủ động, tự động từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và người dân không cần phải thực hiện bất kỳ hành động nào. Bởi cơ quan đăng kiểm của Nhà nước đã có đầy đủ thông tin về ô tô đang lưu hành, có thể gửi tin nhắn thông báo đến các chủ xe đủ điều kiện gia hạn đăng ký xe!

Trong khó khăn, càng phải chắt chiu từng cơ hội, dù là nhỏ nhất, để giúp doanh nghiệp cầm cự đợi thời cơ! Doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường thì tổn thất sẽ lớn hơn. Đừng quên rằng, sức chống chịu, khả năng cầm cự của doanh nghiệp là một điều kiện cần để duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (Quận 7, TPHCM) chăm sóc trẻ. Ảnh: TH

Chống 'sốc' cho trẻ mầm non

GD&TĐ - Do đã quen nếp sinh hoạt ở nhà hoặc chưa tiếp xúc với môi trường học mới, nên khi bắt đầu đến trường, trẻ dễ mắc tâm lý sợ hãi…