'Đẻ' thêm thủ tục hành chính là trái pháp luật

GD&TĐ - 'Khi Luật đã có hiệu lực mà gây phiền hà cho người dân thì hoàn toàn lỗi thuộc về hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước…', ông Lê Thanh Vân bày tỏ.

Từ ngày 1/1/2023, quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch hành chính bắt đầu có hiệu lực.
Từ ngày 1/1/2023, quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch hành chính bắt đầu có hiệu lực.

Về những bất cập sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Tiến sĩ Luật học Lê Thanh Vân cho rằng, Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ ràng về cách thức quản lý hộ tịch, hộ khẩu, việc “đẻ” thêm thủ tục hành chính là trái pháp luật…

Cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc

Về vấn đề công dân bức xúc, khi phải vất vả, chật vật với việc xin giấy xác nhận cư trú (sau khi sổ hộ khẩu giấy bị “khai tử”), đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng: Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo chấm dứt tình trạng để cho người dân phải đi lại nhiều nơi xin giấy xác nhận cư trú. Bởi như vậy, đơn vị hành chính đã không thực hiện đúng với quy định của Luật Cư trú 2020.

“Khi Luật đã có hiệu lực mà gây phiền hà cho người dân thì hoàn toàn lỗi thuộc về hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước…”, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ.

Lý giải thêm về điều này, ông Lê Thanh Vân cho biết, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật Cư trú và đã có thời hạn để chấm dứt việc sử dụng sổ hộ khẩu giấy.

Vì vậy, Luật Cư trú đã có hiệu lực pháp luật. Vấn đề là tổ chức thi hành và không có quy định nào cho phép các cơ quan “đẻ” ra thủ tục hành chính là giấy xác nhận lưu trú, hay giấy xác nhận cư trú, bắt người dân phải đi lại như báo chí phản ánh vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng, thì cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc. Đơn cử, cơ quan thanh tra vào cuộc để xem quá trình thi hành luật như thế nào? Tiếp đó là cơ quan tư pháp cũng cần vào cuộc.

“Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương, trước hết là người đứng đầu phải xem lại bộ máy của mình về năng lực thực thi luật pháp như thế nào?

Luật quy định rõ ràng về thời hiệu và cách thức quản lý hộ tịch, hộ khẩu lại “đẻ” thêm thủ tục hành chính là trái pháp luật. Trái pháp luật thì phải xử lý, xử lý ai đẻ ra cái thủ tục hành chính ấy. Hễ cái gì gây phiền hà cho dân thì cần phải chấm dứt và xử lý nghiêm…”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

“Đem cán bộ vi phạm ra xử lý là giải pháp hiệu quả nhất”

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân.

Mặc dù đã có căn cước công dân (CCCD) gắn chíp nhưng khi công dân thực hiện các thủ tục hành chính như: Xác nhận tình trạng hôn nhân, mua bán chuyển nhượng bất động sản… nhiều đơn vị yêu cầu có giấy xác nhận cư trú. Hành chính công chưa được trang bị phương tiện máy móc truy xuất thông tin dữ liệu dân cư… hệ lụy là cái khó “đổ” đổ lên đầu dân.

Về vấn đề này, ông Lê Thanh Vân cho rằng, phải truy ngược lại trách nhiệm. Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2023, chấm dứt thời kỳ quản lý sổ hộ khẩu giấy.

“Công tác chuẩn bị, điều kiện cần thiết trước hết là phương tiện kỹ thuật công nghệ và số hóa dịch vụ công. Tại sao có những nơi chuẩn bị chưa tốt? Việc này phải kiểm điểm xem lý do vì sao? Chậm trễ do tiến độ quá gấp gáp không? Tại sao có nơi làm được, nơi lại không làm được thì phải kiểm điểm trách nhiệm, nguyên nhân vì sao chậm? Vì vậy, cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó…”, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm.

Nói về giải pháp hỗ trợ cho người dân thuận lợi trong thủ tục hành chính khi sổ hộ khẩu giấy không còn hiệu lực, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh: Bộ máy công quyền phải thực hiện tốt Luật Cư trú 2020. “Cơ quan công quyền đưa ra những lý do để người dân phải đi lại thì phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.

Luật đã có hiệu lực mà thực hiện làm khó dân thì phải thay thế, xử lý cán bộ. Không thể đổ lỗi cho máy móc thiết bị, vì đã cho cả một thời gian dài để chuẩn bị... Đem cán bộ vi phạm ra xử lý là giải pháp hiệu quả nhất…”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ.

Trước ý kiến trong quá trình đồng bộ dữ liệu, bổ sung máy móc truy xuất thông tin dữ liệu công dân thì cần sử dụng song song sổ hộ khẩu, ông Lê Thanh Vân cho rằng, nếu duy trì song song sổ hộ khẩu giấy từ 1/1/2023 là trái luật.

“Việc thực hiện lỗi ở đâu thì ở đó phải chịu trách nhiệm mà phải quy trách nhiệm người đứng đầu, lần ra các cán bộ thực thi pháp luật vi phạm. Luật đã có hiệu lực rồi lại không thực hiện, đổ lỗi và có giải pháp phụ sẽ không còn tính nghiêm minh của pháp luật…”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Mới đây (ngày 28/2), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện 90 của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh thực hiện nghiêm Luật Cư trú, nghị định của Chính phủ và tổ chức triển khai Chỉ thị số 05 của Thủ tướng về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành kết nối và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành trong quý I năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.