(GD&TĐ) - Mặc dù năm học mới đã được gần nửa học kì, nhưng “sức nóng” về các câu chuyện xoay quanh đóng góp đầu năm vẫn chưa hạ nhiệt. Những lời kêu ca của PHHS về các khoản thu chi, trong đó các khoản thu tự nguyện, thu thỏa thuận là đề tài đang được nhiều người quan tâm nhất...
Hiện nay hình thức “xã hội hóa giáo dục” hình như bị nhiều nhà trường hiểu sai? Vì tôi thấy có vẻ như họ cứ cho rằng PHHS đóng góp cũng là XH hóa GD, nên dẫn đến lạm thu theo kiểu “tự nguyện”?
Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội, đã thanh tra rà soát 29 quận, huyện về vấn đề thu chi, không chỉ nhắc nhở mà còn chấn chỉnh lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Qua kiểm tra phát hiện vẫn còn tình trạng thu không đúng quy định. Đoàn khảo sát nhận thấy, giải thích của các hiệu trưởng về vấn đề thu chi còn rất mơ hồ, không nắm rõ các văn bản của Bộ cũng như Sở và Phòng Giáo dục đã ban hành. Nếu Hiệu trưởng không ra lệnh thu, chắc chắn không có giáo viên nào dám thu, Ban phụ huynh học sinh cũng không được phép.
Minh bạch các khoản thu, giảm tình trạng thu sai, giải tỏa tâm lý băn khoăn, bức xúc của phụ huynh học sinh. (Ảnh Internet) |
Thực tế các khoản thu chi đều được quy định rất rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn. Để tránh phụ huynh hiểu nhầm thì khi họp phụ huynh, trường cần phổ biến và nói rõ về các văn bản này. Đối với các khoản khác liên quan đến thỏa thuận hoặc xã hội hóa thì phải thống nhất trong Hội đồng trường, tập thể giáo viên (GV)và Hội phụ huynh. Sau đó, GV chủ nhiệm các lớp tiếp tục phổ biến đến phụ huynh để hiểu rõ chủ trương, nếu phụ huynh thắc mắc thì phải giải thích cặn kẽ. Trong trường hợp không giải thích được thì Ban giám hiệu sẽ làm việc trực tiếp với phụ huynh.
Vấn đề mấu chốt là hiệu trưởng cần phải có kế hoạch cụ thể về phương án thu chi để qua đó phụ huynh nhìn thấy rõ có hợp lý hay không. Chỉ được tiến hành khi các phụ huynh đã tán thành 100%. Không nên ép buộc dù chỉ còn một ý kiến không đồng tình. Khi triển khai hãy để cho chính các phụ huynh trực tiếp giám sát. Tuy nhiên thực hiện như thế nào để phụ huynh không bức xúc và tự nguyện tham gia là điều không phải dễ dàng. Việc đóng góp dựa trên nguyên tắc tự nguyện và chủ yếu là nhờ sự trợ giúp của các mạnh thường quân, không nên chia bổ đầu cho phụ huynh. Danh mục của khoản thu thỏa thuận - khoản thu được cho là thường bị biến tướng, để định ra một danh mục cụ thể, thống nhất mức thu là việc không đơn giản.
Có thể thấy việc thiếu rõ ràng trong quy định, lỏng lẻo trong giám sát, kiểm tra là những nguyên nhân khiến tình trạng lạm thu ở các nhà trường tái phát. Vì thế, việc thống nhất, công khai danh mục các khoản thu trong trường học là cần thiết, tạo thuận lợi cho cơ sở và là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý giám sát việc thực hiện.
Trong việc chống lạm thu trong trường học, quan trọng nhất vẫn là cách làm của người quản lý nhà trường. Chỉ cần sự minh bạch, có kế hoạch và mức thu hợp lý từ ban giám hiệu là phương thuốc hữu hiệu đặc trị "bệnh lạm thu”, lúc ấy chắc chắn chẳng phụ huynh nào có ý kiến khi những lợi ích đó phục vụ cho chính con em họ.
Đăng Huyền