Phương pháp đóng vai trong dạy đọc hiểu môn Ngữ văn

GD&TĐ - Cô Lê Thị Vân Anh, giáo viên Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy đọc hiểu môn Ngữ văn.

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) thực hiện sân khấu hóa tác phẩm "Chí Phèo".
Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) thực hiện sân khấu hóa tác phẩm "Chí Phèo".

Theo cô Vân Anh, đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành (làm thử) một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định hoặc một tình huống của thực tế cuộc sống bằng cách diễn xuất một cách ngẫu hứng trên cơ sở óc tưởng tượng và ý nghĩ sáng tạo của các em.

Người học sẽ hóa thân vào một vai "giả định" trong một tình huống hành động cụ thể để hành động, trình bày suy nghĩ, cảm nhận từ chỗ đứng, góc nhìn của vai mà họ đảm nhận.

Một số hình thức đóng vai trong dạy đọc hiểu tác phẩm văn học

Một số hình thức đóng vai trong dạy đọc hiểu tác phẩm văn học được cô Lê Thị Vân Anh chia sẻ gồm: Đóng vai theo nhân vật; chuyển thể một văn bản, đoạn văn bản thành một kịch bản sân khấu (sân khấu hóa); xử lý một tình huống giao tiếp giả định.

Với hình thức đóng vai theo nhân vật, có thể dùng các cách: Đóng vai tái hiện, đóng vai suy luận, đóng vai người kể chuyện.

Đóng vai tái hiện là hình thức cho học sinh đóng vai các nhân vật trong từng tác phẩm. Thay vì cho các em đọc tác phẩm, giáo viên có thể phân vai cho học sinh thời gian chuẩn bị sau đó tái hiện lại nhân vật trong tác phẩm.

Dưới hình thức đóng vai theo nhân vật, học sinh có thể kết hợp thêm các lời thoại (bám sát theo văn bản); kết hợp với ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ, cách thức thể hiện…để trình bày về ngoại hình, tính cách, ngôn ngữ, hoàn cảnh,…của nhân vật.

Thực hiện hình thức đóng vai này học sinh phải đọc trước tác phẩm, nắm các chi tiết, các lời thoại của nhân vật. Vì thế có nhược điểm là: học sinh chưa có sự sáng tạo vì phải bám sát vào lời thoại trong từng ngữ cảnh có sẵn trong tác phẩm ở sách giáo khoa, học sinh sẽ không thể hiện hết mình theo khả năng của mình.

Đóng vai suy luận là hình thức người học đặt mình vào vị trí của nhân vật, hình dung ra thái độ, hành động, cử chỉ…của nhân vật trước các sự việc, chi tiết. Hình thức này sẽ được chuẩn bị chu đáo hơn vì đã có lời thoại của các nhân vật trong tác phẩm, từ đây suy luận ra, sáng tạo ra những cách ứng xử mới của nhân vật.

Đóng vai người kể chuyện: Mỗi tác phẩm tự sự, thường có các ngôi kể khác nhau. Có tác phẩm kể theo ngôi thứ nhất, có tác phẩm kể theo ngôi thứ ba. Có những tác phẩm nhân vật không xuất hiện nhưng người đọc vẫn thấy được tư tưởng, tình cảm, thái độ…của nhân vật trong cốt truyện. Do đó đóng vai người kể chuyện là hình thức cho học sinh đóng vai tác giả, sáng tạo ra lời nói, suy nghĩ, hành động của nhân vật theo quan điểm của cá nhân.

Với hình thức chuyển thể một văn bản, đoạn văn bản thành một kịch bản sân khấu (sân khấu hóa):Chuyển thể một đoạn trích trong tác phẩm thành kịch bản sân khấu và cho học sinh thảo luận về một số vấn đề trọng tâm được đặt ra. Từ đó, học sinh hình thành được các kiến thức, kĩ năng, năng lực quan trọng qua bài học.

Với hình thức xử lý một tình huống giao tiếp giả định,thường được áp dụng trong quá trình học tập để tạo một cuộc giao tiếp. Học sinh có thể hoạt động theo nhóm hoặc cặp đôi tạo nên những tình huống giao tiếp giả định.

Để thực hiện hình thức đóng vai này, học sinh cần được dành thời gian chuẩn bị nhưng không được biết trước kịch bản, lời thoại. Sau khi giáo viên đưa ra tình huống giả định, học sinh sẽ chuẩn bị trong thời gian nhất định (3 đến 5 phút), đại diện một vài nhóm lên trình bày. Các học sinh còn lại đánh giá mức độ thú vị, hấp dẫn, chính xác của tình huống giả định.

Đóng vai nhằm phát triển năng lực hành động thông qua trải nghiệm của chính người học và thông qua thông tin phản hồi từ người quan sát (Hình ảnh vở diễn sân khấu hóa tiếng chửi của “Chí Phèo” của học sinh Trường THPT Quan Sơn).
Đóng vai nhằm phát triển năng lực hành động thông qua trải nghiệm của chính người học và thông qua thông tin phản hồi từ người quan sát (Hình ảnh vở diễn sân khấu hóa tiếng chửi của “Chí Phèo” của học sinh Trường THPT Quan Sơn).

4 bước tiến hành phương pháp đóng vai trong dạy đọc hiểu Ngữ văn

Cô Lê Thị Vân Anh chia sẻ 4 bước tiến hành phương pháp đóng vai trong dạy đọc hiểu Ngữ văn như sau:

Bước 1: Giáo viên lựa chọn tình huống và cung cấp thông tin về vai diễn

Giáo viên phải căn cứ vào nội dung bài học, xác định được tình huống cần đóng vai. Cần phân tích những đặc điểm của học sinh và môi trường học để xây dựng tình huống sao cho sát với thực tế, tạo sự hứng thú và phù hợp khả năng của học sinh. Học sinh có thể cùng với giáo viên lựa chọn tình huống mô phỏng.

Tình huống đóng vai phải phù hợp với chủ đề giáo dục (chủ đề bài học), phù hợp với lứa tuổi, trình độ học sinh và điều kiện, hoàn cảnh lớp học. Tình huống nên để mở, không cho trước “kịch bản”, lời thoại (trừ trường hợp chủ ý muốn dùng lời thoại sẵn).

Giáo viên chia nhóm, gợi ý một số nội dung, chủ đề cần đóng vai (quy định rõ thời gian chuẩn bị và thời gian đóng vai cho các nhóm); có thể chia nhóm dựa trên năng lực, sở thích của học sinh (lựa chọn học sinh phù hợp với vai diễn và giao nhiệm vụ). Giáo viên thông tin cho học sinh về đề tài, tình huống và các vai, quy định rõ thời gian chuẩn bị, thời gian thực hiện của mỗi vai, xác định mục đích thực hiện.

Các nhóm thảo luận chuẩn bị đóng vai: phân vai, dàn cảnh, học lời thoại, cách thể hiện nhân vật, diễn thử… Vai đóng phải cụ thể theo đúng mục tiêu học tập (người đóng vai "chính", người đóng vai "phụ" phải thực hiện nhiệm vụ, công việc, động tác gì... trong các tình huống trên).

Xác định thời gian đóng vai: Không nên quá ngắn (ít hơn 15 phút) và sẽ hạn chế trong việc thể hiện được mục tiêu học tập; chưa đủ để bộc lộ các ưu, nhược điểm. Cũng không nên quá dài vì sẽ loãng, thiếu tập trung.

Nên khích lệ cả những học sinh nhút nhát cùng tham gia, giáo viên không làm thay mà có thể hướng dẫn, gợi ý nếu học sinh chưa thực hiện được.

Nên có hoá trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của trò chơi đóng vai (nếu có điều kiện).

Lưu ý: cần dự kiến thời gian thảo luận ngay sau buổi đóng vai. Thời gian thảo luận phải đủ để mọi người phát biểu, có thể nêu lên được đầy đủ các nhận xét, rút kinh nghiệm, đánh giá... Để xác định thời gian đóng vai, có thể tham khảo ý kiến những người sẽ thực hiện vai đóng (học sinh sẽ đề xuất sau khi đã trao đổi, hội ý với nhau về dự kiến nội dung dựa theo nhiệm vụ được giao).

Bước 2: Học sinh làm quen và tập đóng vai

Giáo viên giải thích rõ hơn về từng vai cho học sinh; tổ chức cho học sinh tự phân vai nếu hoạt động theo nhóm, tự chọn vai nếu nhiều vai, chủ yếu dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Học sinh làm quen với vai của mình, có thể sử dụng thẻ mô tả vai; thảo luận về tính cách, cách thức thể hiện của vai đóng.

Trên cơ sở các vai đã đảm nhận, học sinh tập đóng vai.Trong khi tổ chức đóng vai, với những học sinh không tham gia đóng vai, giáo viên cần hướng dẫn để các em xác định các tiêu chí quan sát và và nhận nhiệm vụ quan sát, nhận xét, góp ý cho các vai diễn.

Bước 3: Thực hiện đóng vai (học sinh trình bày sản phẩm)

Học sinh diễn vai do mình đảm nhận và những học sinh khác không trực tiếp tham gia đóng vai sẽ thực hiện việc quan sát.

Trước khi thực hiện đóng vai, giáo viên cần nêu rõ: chủ đề, mục tiêu học tập, giao nhiệm vụ cho các vai và người quan sát, xác định thời gian đóng vai.

Khi thực hiện đóng vai, các vai đóng hoàn toàn chủ động về nội dung và thời gian. Giáo viên không nên can thiệp, nhắc nhở làm mất tính chủ động, linh hoạt của vai diễn. Chỉ được ngừng thực hiện đóng vai khi kéo dài quá thời gian quy định nhiều, không còn thời gian để thảo luận sau đóng vai.

Vai đóng không cần thực hiện các kỹ xảo biểu diễn như trong đóng kịch, dễ gây mất tập trung vào nội dung. Cần lưu ý thể hiện thái độ, phong cách trong giao tiếp nhất là với vai "chính"; bám sát mục tiêu học tập, nhiệm vụ được giao trong đóng vai, có ý thức cộng tác, hỗ trợ cho đóng vai.

Người quan sát (các người học khác) được phân thành nhóm nhỏ (vài người). Mỗi nhóm được giao các nhiệm vụ cụ thể như: nhóm theo dõi nhận xét vai "chính"; nhóm theo dõi nhận xét vai "phụ"; các nhóm theo dõi về kỹ năng giao tiếp, thái độ, kiến thức, năng lực giải quyết vấn đề...

Bước 4: Giáo viên và học sinh thảo luận, đánh giá và rút ra kết luận

Học sinh tự tách mình ra khỏi vai diễn, tự đánh giá về kết quả trình diễn của bản thân, về vai diễn và cảm nhận của mình. Người quan sát nhận xét về tiến trình đóng vai. Toàn lớp thảo luận, đánh giá về hoạt động đóng vai. Rút ra kinh nghiệm, kiến thức, thông điệp từ hoạt động.

Thực hiện thảo luận ngay sau khi đóng vai để người học còn lưu giữ được các nhận xét, quan sát qua thực tế buổi đóng vai. Để buổi thảo luận đạt hiệu quả giáo viên cần có định hướng học sinh thảo luận về những nội dung trọng tâm của bài học được đặt ra từ các sản phẩm.

Đánh giá, nhận xét chung của buổi đóng vai cần dựa trên kết quả thảo luận để có nhận xét chung, tránh tình trạng áp đặt không phân biệt đúng, sai, cái nên, không nên làm; nêu lên được những điều học tập và những điều cần rút kinh nghiệm.

Sau khi thực hiện buổi dạy học bằng phương pháp đóng vai, giáo viên cần kiểm định theo các nội dung chủ yếu sau:

Chủ đề của đóng vai có thích hợp với phương pháp đóng vai? Có phải đóng vai là phương pháp tốt nhất để thực hiện nội dung dạy học này không? Chủ đề của đóng vai có phù hợp với kiến thức và khả năng của người học?

Mục tiêu của đóng vai có phù hợp, bổ sung tốt cho mục tiêu bài giảng? Các mục tiêu được đề ra có đầy đủ, rõ ràng?

Tình huống và các vai đóng có thích hợp với chủ đề, mục tiêu học tập? Có tạo điều kiện để các vai đóng thể hiện được mục tiêu học tập? Có trình bày được nhiều thông tin cần thiết? Có đề xuất đến những vấn đề thiết thực, quan trọng của nội dung học tập? Công tác chuẩn bị cho buổi đóng vai (nêu rõ chủ đề, mục tiêu học tập, giao nhiệm vụ cho các vai, người quan sát...); thực hiện buổi đóng vai, hướng dẫn thảo luận sau khi đóng vai... Qua đó rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện thêm.

Cuối cùng, giáo viên chốt kiến thức, hướng dẫn học sinh tổng hợp và khái quát những vấn đề trọng tâm của bài học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.