PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018, Tổng chủ biên và chủ biên sách Ngữ văn THCS và THPT (bộ Cánh Diều) - chia sẻ những lưu ý xung quanh việc tổ chức dạy học Ngữ văn theo chương trình mới.
Tránh tổ chức các hoạt động ít liên quan
Với chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn 2018, khi soạn bài, các thầy cô cần chú ý: Đã nêu lên yêu cầu nào ở mục tiêu thì dứt khoát cần tổ chức các hoạt động dạy học tương ứng bên dưới để thực hiện. Một bài học theo chương trình và sách giáo khoa mới thường có mục tiêu cho bốn kĩ năng: Đọc, viết, nói nghe và tiếng Việt. Mỗi mục tiêu lớn có các yêu cầu khác nhau. Vì thế giáo viên căn cứ vào các yêu cầu của từng mục tiêu lớn để xác định các hoạt động dạy học phù hợp.
- Một trong những yêu cầu quan trọng của Chương trình GDPT theo hướng phát triển năng lực là cần tổ chức dạy học thông qua các hoạt động. Thầy có những lưu ý gì với giáo viên Ngữ văn khi sử dụng cách tổ chức dạy học này?
- Định hướng “học qua làm” (learning by doing) hoặc lý thuyết “bàn tay nặn bột” đã có từ lâu và ai cũng hiểu học bằng cách làm, thông qua làm là hình thành kĩ năng, kiến thức lâu bền và có hiệu quả nhất. Dạy học Ngữ văn mới yêu cầu thông qua các hoạt động, nhằm hình thành cho học sinh năng lực tự tiếp nhận, tạo lập văn bản.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Các hoạt động trong dạy học Ngữ văn nên hiểu thế nào cho đúng? Làm thế nào để giờ văn bảo đảm chất văn, không khí văn chương mà học sinh vẫn được hoạt động? Các hoạt động trong giờ học Ngữ văn cần đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chính và bảo đảm đặc trưng môn học như thế nào?... thì còn nhiều điều cần trao đổi và điều chỉnh trong thực tiễn triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
Dự giờ dạy của giáo viên, tôi thấy không ít thầy cô hiểu sai yêu cầu dạy học Ngữ văn thông qua hoạt động. Biểu hiện rõ nhất là tổ chức nhiều hoạt động không liên quan đến yêu cầu giờ học. Một số giáo viên nhân giờ học đã tổ chức các hoạt động mở rộng, liên hệ, vận dụng nhằm giáo dục phẩm chất, phát huy vốn sống của học sinh, gắn với thực tế và nội dung giáo dục địa phương... nhưng nội dung và cách thức xa với mục tiêu, yêu cầu cần đạt của bài học.
Đúng là cần dạy học Ngữ văn thông qua các hoạt động. Nhưng xin lưu ý hoạt động không chỉ và không nhất thiết phải chia nhóm, thảo luận, mà tổ chức cho tất cả học sinh tập trung suy nghĩ, làm việc cá nhân/cặp đôi theo yêu cầu bài học cũng là hoạt động. Đặc biệt các hoạt động này phải tập trung vào mục tiêu và yêu cầu chính của giờ/bài học. Từ mục tiêu bài học mà xác định các hoạt động.
Một trong những hạn chế của cách dạy cũ là bệnh hình thức khi soạn giáo án; thể hiện ở việc giáo viên thường liệt kê nhiều mục tiêu, bày ra vô số yêu cầu cần đạt cho bài học, nhưng chỉ để đẹp, cho “kêu” và có... Nghĩa là mắc bệnh hình thức, vì đề ra mục tiêu nhiều nhưng các hoạt động dạy và học bên dưới lại không bám sát yêu cầu đề ra ban đầu.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. |
Lưu ý từng nội dung dạy học
- Thầy có thể chia sẻ cụ thể hơn những lưu ý nói trên qua nội dung dạy học cụ thể?
- Ví dụ ở giờ đọc hiểu văn bản, tất cả các hoạt động đều hướng vào mục tiêu giúp học sinh hiểu văn bản và biết cách đọc văn bản theo thể loại. Như thế cần tổ chức các hoạt động lớn, gồm:
Thứ nhất - Tìm hiểu chung: Giáo viên cho học sinh tìm hiểu các thông tin liên quan đến văn bản, giúp cho việc hiểu văn bản như tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm...
Thứ hai - Đọc văn bản: Tổ chức cho học sinh đọc trực tiếp văn bản theo các yêu cầu khác nhau, coi trọng đọc diễn cảm; tìm hiểu các từ ngữ, kí hiệu, biểu tượng điển cố, điển tích khó có trong văn bản...
Thứ ba: Tổ chức cho học sinh tìm hiểu, phân tích để hiểu nội dung, nghệ thuật của văn bản.
Thứ tư - Tổng kết: Tổ chức cho học sinh khái quát, rút ra một số nét nổi bật về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, đồng thời rút ra cách đọc các văn bản tương tự (đề tài, thể loại và kiểu văn bản).
Trong các hoạt động trên, hoạt động 3 là trọng tâm và nhiều nội dung nhất. Giáo viên cần nghiên cứu kĩ các câu hỏi đọc hiểu trong sách giáo khoa để chuyển thành các nhiệm vụ trên lớp, giao cho học sinh tìm hiểu (cá nhân hoặc nhóm).
Hai diễn viên - học sinh - đang diễn trích đoạn tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng”. Ảnh: ITN |
Lưu ý, ở hoạt động này cần lồng ghép cả các câu hỏi khai thác yếu tố trong và ngoài văn bản. Khi tiến hành khai thác các yếu tố ngoài văn bản chính là đã đáp ứng yêu cầu liên hệ, vận dụng, mở rộng, so sánh... không cần để ra một mục riêng (liên hệ, vận dụng) như giáo viên thường làm sau khi tổng kết bài học. Phần cuối này, một số giáo viên đưa thêm nhiều nội dung, tổ chức hoạt cảnh, tiểu phẩm, video-clip, trình chiếu tư liệu xa và không có tác dụng nhiều trong việc đọc hiểu văn bản; nhân văn bản để biến giờ đọc hiểu thành giờ biểu diễn, ngoại khóa...
Cần chú ý việc học sinh thích các hoạt động này với các yêu cầu của giờ đọc hiểu văn bản là khác nhau. Việc học sinh thích các hoạt động ấy không có nghĩa các em đã hiểu và biết cách đọc văn bản. Như thế cần có các hoạt động giúp học sinh vừa hiểu văn bản, vừa hào hứng, thích thú, chứ không phải thu hút bằng việc trình chiếu các tư liệu, tranh, ảnh, video-clip... lấy trên mạng và các trò chơi, câu đố... mà nội dung quá xa với yêu cầu của giờ đọc hiểu. Trong khi yêu cầu chính của đọc hiểu là giải mã câu chữ, kí hiệu, hình thức để tìm thấy, đọc ra thông điệp, ý nghĩa của văn bản.
Với giờ tiếng Việt, hoạt động chủ yếu là cho học sinh làm bài tập trong sách giáo khoa, từ đó rút ra các kiến thức về đơn vị Tiếng Việt được học qua các bài tập. Những kiến thức này được nêu lên trong mục Kiến thức Ngữ văn ở đầu bài học. Bài tập trong sách giáo khoa (CD) cũng biên soạn theo từng cấp độ: Nhận biết, lí giải và vận dụng, tích hợp với ngữ liệu phần đọc hiểu văn bản.
Với giờ nói - nghe: Do thời lượng ít, nên giáo viên chủ yếu tổ chức cho học sinh thực hành nói và nghe theo các yêu cầu đã nêu trong sách giáo khoa. Về hình thức có giờ tập trung vào kĩ năng nói, có giờ là kĩ năng nghe, có giờ chú ý luyện tập cả nói và nghe (nói - nghe tương tác), chính là các giờ thảo luận, trao đổi...
Với giờ học viết chủ yếu là hoạt động cho học sinh thực hành, giáo viên thông qua nội dung phần Định hướng và bài tập trong phần Thực hành của SGK, để tổ chức học sinh tìm hiểu:
Thứ nhất: Nhận biết kiểu văn bản và cách viết kiểu văn bản ấy.
Thứ hai: Thực hành tạo lập văn bản qua 4 bước. Bản thân mỗi bước là một hoạt động hướng tới tạo ra văn bản. Giáo viên cứ theo tiến trình trong sách giáo khoa để giao nhiệm vụ rèn luyện cho học sinh. Cần chú ý, sách giáo khoa chỉ nêu lên các ý khái quát, còn lại giáo viên cần tổ chức cho học sinh tìm kiếm, bổ sung, cụ thể hóa các nội dung theo các ý khái quát ấy...
- Dạy học thông qua các hoạt động có nghĩa toàn bộ giờ học chỉ tổ chức các hoạt động. Cách hiểu này có đúng không, thưa thầy?
- Dạy học thông qua các hoạt động không có nghĩa toàn bộ giờ học chỉ tổ chức các hoạt động, giáo viên chỉ nêu nhiệm vụ, câu hỏi, bài tập... sau đó học sinh làm và tổ chức cho các em trao đổi. Trong mỗi hoạt động lớn, giáo viên vẫn phải giữ vai trò quan trọng:
Nêu vấn đề, gợi mở, dẫn dắt để học sinh làm việc nhịp nhàng, hiệu quả...; khéo léo uốn nắn những kiến thức, kĩ năng học sinh hiểu và làm chưa đúng, chính xác; tham gia nêu ý kiến cá nhân, những phân tích, bình luận, bình giảng hay, thấm thía, đậm chất văn... để giúp học sinh cảm, hiểu sâu sắc hơn từ một góc nhìn khác mà vẫn tôn trọng cách hiểu và nhận thức của học sinh.
Muốn thế cần tập trung vào các hoạt động bám sát mục tiêu mỗi bài học; kiên quyết bỏ đi các hoạt động xa với yêu cầu của bài học, các hoạt động ngoài văn bản vừa làm nặng thêm chương trình, gây quá tải cho học sinh, vừa không giúp ích cho việc phát triển kĩ năng đọc, viết, nói - nghe cũng như bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm người học. Cần hạn chế nhu cầu thích biểu diễn “cái khác lạ”, biết lựa chọn, tổ chức các hoạt động thực sự cơ bản, có ích trong dạy học Ngữ văn.
Sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Ngữ văn. Ảnh: ITN |
Kết hợp hài hòa khoa học và nghệ thuật
- Triển khai dạy học Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018 chắc chắn giáo viên không tránh khỏi bước đầu bỡ ngỡ, thiếu sót. Thầy gửi gắm điều gì đến các thầy cô để có một giờ dạy văn thành công?
- Mục đích của đọc là hiểu văn bản, nhưng hiểu văn bản văn học không chỉ để nắm được những thông tin thuần túy, khách quan mà đọc còn là đánh thức những rung động, cảm xúc trong tâm hồn người đọc, qua đọc thanh lọc tâm hồn và hiểu thêm chính mình. GS Hoàng Ngọc Hiến từng viết: “Có những tác phẩm đọc xong ta thấy bàng hoàng: Lần đầu tiên ta nhận ra con người thật của mình. “Người cao thượng không phải là không bao giờ đê tiện, người cao thượng biết rằng mình có những lúc đê tiện” (Bielinxky).
Để có 1 giờ dạy văn thành công (đúng và hay), người giáo viên cần kết hợp được nhiều yêu cầu, vận dụng nhiều kĩ năng, hiểu biết. Phải cùng lúc đóng cả 3 vai: Nhà khoa học, người nghệ sĩ và nhà sư phạm.
Vai nhà khoa học đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức và phương pháp tìm hiểu, khám phá tác phẩm văn học cơ bản, vững vàng. Tức giáo viên phải như nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Phải biết cách đọc, hiểu đúng, thưởng thức tác phẩm văn học thì giáo viên mới hướng dẫn học sinh cách đọc và hiểu, thưởng thức tác phẩm được.
Dạy văn vừa là khoa học những đồng thời là một nghệ thuật; vì thế giáo viên vừa là nhà khoa học vừa phải là người nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ trước hết thể hiện ở khả năng cảm thụ nghệ thuật, biết rung động trước cái hay, đẹp của tác phẩm; sau đó là những biểu hiện bằng ngôn ngữ và hành động trên bục giảng (ánh mắt, nụ cười, giọng nói và các hoạt động mang tính biểu diễn, biểu cảm trực tiếp...). Cần có những giây phút nhập vai, thăng hoa cùng nhân vật, tình huống, sự kiện trong tác phẩm.
- Trân trọng cảm ơn thầy!
Giờ Ngữ văn theo yêu cầu mới không phải là giờ giáo viên chỉ bình, giảng văn cho học sinh nghe... mà phải hướng dẫn cho học sinh cách đọc, hiểu, khám phá văn bản ngôn từ nghệ thuật. Vì thế giáo viên còn phải là nhà sư phạm. Quá nghiêng về nhà khoa học, giờ Ngữ văn dễ trở thành khô khan, thiếu tươi mát, mềm mại, hạn chế chất văn, không khí văn chương... Nhưng nếu cả giờ chỉ đóng vai nghệ sĩ, biểu diễn, biểu cảm “lên đồng” thì cũng hỏng; cứ làm mãi thế sẽ trở thành bệnh. Do đó, cần có sự kết hợp hài hòa giữa yêu cầu khoa học và yêu cầu nghệ thuật. Biết khi nào cần vào vai nhà khoa học, khi nào cần nhập vai nghệ sĩ, thăng hoa, bay bổng... chính là do nhà sư phạm chỉ dẫn, điều hành.