Dạy học Ngữ văn thay đổi thế nào trong năm học mới?

GD&TĐ - Dù ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp về dạy - học Ngữ văn, nhưng không ít giáo viên vẫn loay hoay trong triển khai phương pháp đổi mới.

Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC
Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Điều này đặt ra vấn đề cần thực hiện quyết liệt hơn nữa đổi mới dạy học Ngữ văn trong các nhà trường.

Còn nặng thuyết giảng, đọc chép

Nhìn nhận còn nhiều giờ học Văn nhàm chán, khô khan, không lôi cuốn, môn Ngữ văn kém hấp dẫn học sinh, cô Nguyễn Thị Giang Hương - Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho rằng: Nguyên nhân trước hết do tác động của xã hội hiện đại, khi văn hóa nghe, nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc đi xuống, học sinh không thích học môn Ngữ văn.

Ở khía cạnh khác, do định kiến của xã hội, nhiều phụ huynh, học sinh có tâm lý nhìn nhận đây chỉ là môn học thuộc, không cần phải tư duy, làm mất đi giá trị vốn có của việc học Ngữ văn. Phụ huynh lo lắng, nếu con theo đuổi môn này, cơ hội chọn ngành, nghề trong tương lai bị hạn chế.

Nhiều học sinh không hào hứng với môn Ngữ văn, theo cô Giang Hương, một phần do thầy cô vẫn theo lối dạy khô cứng, lối mòn đọc chép, chưa phát huy năng lực của học sinh. Giáo viên đôi khi chưa tôn trọng ý tưởng riêng của học trò, còn áp đặt viết hay trình bày theo hướng dẫn của mình.

“Nhiều học sinh lười suy nghĩ, không phát triển được ý tưởng của mình, hạn chế về năng lực diễn đạt; kỹ năng tạo lập văn bản còn yếu; viết văn lặp ý, lặp từ, sai chính tả còn nhiều. Chương trình Ngữ văn trước đây chưa được đổi mới, hàn lâm về kiến thức. Một số tác phẩm trong chương trình văn học trung đại khó, khô khan, không hấp dẫn với học sinh”, cô Giang Hương trăn trở.

Chia sẻ về triển khai dạy học Ngữ văn theo chương trình mới, khó khăn từ thực tiễn nhà trường được cô Lê Thị Vân Anh - Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) đưa ra là: Nằm ở khu vực miền núi, đầu vào học sinh còn hạn chế nên giáo viên vẫn là người “cầm tay chỉ việc”. Năng lực diễn đạt chưa tốt, chỉ nắm lý thuyết suông, chưa phát huy được tư duy và dựa nhiều vào văn mẫu còn tồn tại khá nhiều ở học sinh.

Thực tế này khiến việc triển khai dạy học theo hướng phát triển năng lực (ở môn Ngữ văn là năng lực giao tiếp, văn học) không hề dễ dàng đối với giáo viên. Trong khi đó, nhiều thầy cô vẫn loay hoay thay đổi phương pháp dạy, chưa hình thành cho học sinh lối học tích cực, sáng tạo…

Là giáo viên Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Bích Liên - Trường THCS Thụy Liên (huyện Thái Thụy, Thái Bình) cũng thừa nhận việc dạy học còn thiên về đọc chép, học thuộc, hạn chế năng lực tư duy, phản biện của học sinh. Một bộ phận nhà giáo ngại đổi mới nên dạy Văn theo lối mòn khiến học sinh nhàm chán.

Có tình trạng không dám viết lên suy nghĩ khác, trái với những điều được dạy trên lớp. Vì dạy học chú trọng kỹ năng viết, hạn chế đọc hiểu, nói, dẫn tới nhiều họcsinh không dám bày tỏ suy nghĩ cá nhân, không dám đứng thuyết trình trước đám đông…

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Để học sinh thể hiện suy nghĩ riêng mình

Từ hạn chế này, chia sẻ về những đổi mới trong năm học 2023 - 2024, cô Nguyễn Thị Bích Liên nhấn mạnh đến việc chú trọng cả kỹ năng viết, đọc hiểu, nói; dạy học Văn gắn với cuộc sống và khuyến khích học sinh tích cực phản biện.

“Để môn Văn hấp dẫn, giáo viên phải thay đổi cách dạy, cho phép học sinh được bày tỏ quan điểm. Có như vậy, gốc rễ mà môn Văn vun trồng mới bám chặt, bám sâu. Bên cạnh đó, những tác phẩm được lựa chọn đưa vào giảng dạy không phản ánh hết thực tế cuộc sống sinh động.

Do đó, để học sinh hiểu, tiếp thu và yêu môn học, giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học, gắn môn Văn với những bài học trong cuộc sống; hướng học sinh học Văn là để trau dồi tâm hồn và học cách làm người. Ngoài ra, dạy học Văn cần thúc đẩy sự thoải mái sáng tạo, tư duy mở của học sinh.

Do vậy, cần thay đổi cấu trúc đề thi theo hướng tăng phần nghị luận xã hội, giảm phần nghị luận văn học. Nghị luận xã hội chính là mảnh đất giúp học sinh khai phóng tư duy, bày tỏ chính kiến. Giáo viên phải đưa được những vấn đề đa chiều và cho phép học sinh phản biện; khơi gợi được chính kiến thay vì ép các em viết, nói những điều khác với suy nghĩ bản thân”, cô Liên chia sẻ.

Nói về giải pháp với môn Ngữ văn trong năm học mới, cô Đình Thị Thủy - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) - cho rằng, phải đổi mới cả dạy đọc, dạy viết, dạy nói, nghe và kiểm tra, đánh giá. Theo đó, với dạy đọc, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh, có phân hóa theo năng lực; cung cấp cho học sinh công cụ, cách thức đọc hiểu văn bản. Phần luyện tập cần thiết kế hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Phần vận dụng nên đưa ngữ liệu mới cho học sinh làm quen.

Với dạy viết, hướng dẫn học sinh bằng công cụ có đo lường (tiến trình, cách thức, các tiêu chí, thang đo tiêu chí); chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, đảm bảo cấu trúc. Đối với dạy nói và nghe, đề tài chọn cho học sinh nói, nghe gắn với yêu cầu môn học, gần gũi với cuộc sống; thang đo bảo đảm có định lượng; đa dạng hóa hình thức như thuyết trình, clip, phóng sự, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế nhà trường.

Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, cô Đình Thị Thủy lưu ý cần phong phú hóa ngữ liệu nhưng phải bảo đảm chất lượng. Ngữ liệu có thể lấy từ văn bản khác với văn bản đã học (của các tác giả đã được thẩm định); phần văn bản còn lại trong sách giáo khoa (nếu trong sách chỉ cho học 1 phần); ngữ liệu ở bộ sách giáo khoa khác.

Giáo viên xây dựng ma trận, đặc tả ma trận cụ thể, ra đề bám sát ma trận, tuyệt đối không để tư duy chủ quan, cảm tính trong ra đề. Khuyến khích tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hình thức tập trung, bảo đảm khách quan, công bằng, phát huy năng lực và tạo động lực cho người học.

Chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn tại Bến Tre, ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, yêu cầu: Đổi mới theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phải vận dụng, kết hợp các phương pháp dạy học (kể cả phương pháp dạy học truyền thống) phù hợp với đặc trưng bộ môn, giúp học sinh chủ động khám phá, lĩnh hội kiến thức, phát huy tính tích cực học tập.

Đổi mới phương pháp dạy học cần chú trọng hơn nữa chuẩn về kỹ năng, nhất là hoàn thiện khả năng đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại, giúp học sinh không chỉ đọc hiểu văn bản được chọn giảng trong chương trình, mà cả văn bản ngoài chương trình.

Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

“Đổi mới phương pháp dạy học không tách khỏi kiểm tra đánh giá. Trong quá trình dạy học, việc đánh giá không chỉ để xếp loại, mà còn để khích lệ học sinh hứng thú học tập, tư vấn giúp trò tìm ra cách học phù hợp nhất”, ông Võ Văn Bé Hai lưu ý thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.