4 khó khăn khi dạy học chuyên đề
Từ thực tiễn 1 năm dạy học chuyên đề học tập Ngữ văn, nhóm giáo viên dạy Ngữ văn lớp 10, Trường THPT Trần Quang Khải nhận thấy có 4 khó khăn khi dạy học chuyên đề học tập, cả về kiến thức, phương pháp, thời gian, tâm lý.
Theo đó, về kiến thức, nhìn tổng thể chương trình khá nặng với năng lực nhiều học sinh. Sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng, tư liệu cho dạy và học còn chưa đầy đủ. Các bài soạn dù chi tiết song vẫn còn hàn lâm.
Với tổng số 35 tiết trong năm học, chuyên đề học tập Ngữ văn 10 gồm 3 nội dung: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học dân gian; Sân khấu hóa tác phẩm văn học; Đọc, viết, giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết.
Về phương pháp: học sinh lớp 10 hầu hết các em chưa có kĩ năng tự nghiên cứu. Phương pháp, kĩ năng dạy học mới áp dụng trên các lớp chưa thật hiệu quả, do trình độ học sinh không đồng đều, nhiều em còn lười, phụ thuộc vào các bạn có ý thức tích cực, có trách nhiệm. Do đó, sự phân hóa trình độ của học sinh trên các lớp ngày càng chênh lệch, gây không ít khó khăn cho cả giáo viên, học sinh.
Về thời gian: quỹ thời gian của học sinh lớp 10 có giới hạn; các em còn phải học nhiều môn khác, mà môn học nào cũng yêu cầu cao theo chương trình mới hiện hành Thời gian nghiên cứu một đề tài mất rất nhiều thời gian, các em chưa biết cách phân bố thời gian học hợp lí.
Về tâm lí, học sinh lớp 10, chưa có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lí để học tập, đại đa số các em vẫn còn rụt rè, chưa dám thể hiện mình trước tập thể, còn sợ sai, sợ bị các bạn chê cười khi mắc lỗi… Sĩ số lớp đông nên giáo viên cũng chưa thật sự quan tâm hết được tâm lí học sinh trong mỗi lớp dạy…
Ảnh minh họa/ITN. |
Giải pháp triển khai hiệu quả chuyên đề học tập Ngữ văn
Từ khó khăn gặp phải, nhóm giáo viên dạy Ngữ văn lớp 10, Trường THPT Trần Quang Khải đã đưa ra kinh nghiệm, giải pháp để triển khai tốt nội dung này.
Theo đó,cần nghiên cứu, trao đổi, dự giờ, tham khảo các trường để cùng tìm ra phương pháp dạy phù hợp. Ứng dụng công nghệ thông tin, cho học sinh xem video trích đoạn kịch, ngâm thơ... tạo hứng thú cho các em trong học tập.
Thầy cô hướng dẫn học sinh nghiên cứu, viết báo cáo, tìm hiểu vấn đề gần gũi với địa phương nơi các em sinh sống, các tác phẩm văn học đã học hoặc các tác phẩm em đã biết.
Trong dạy học không nặng về hình thức, lí thuyết mà để học sinh có nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, như: đóng vai một nhân vật, tự ngâm một bài thơ, tự giới thiệu về một tác giả văn học yêu thích... Vận dụng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của học sinh để tổ chức tìm hiểu, khám phá nhằm bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện kiến thức.
Cùng với việc tích cực đổi mới phương pháp, tạo hứng thú cho học sinh, thầy cô cũng có thể sắp xếp lại các chuyên đề học tập để không quá nặng nề về kiến thức hàn lâm.
Ngoài ra, việc bổ sung cơ sở vật chất cũng cần thiết để bảo đảm dạy và học chuyên đề học tập môn Ngữ văn hiệu quả hơn.
Trong Chương trình GDPT 2018, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.