'Dạy cách' thay cho 'dạy cái' nâng cao chất lượng học Ngữ văn

GD&TĐ - Từ thực tế còn có hạn chế trong dạy học Ngữ văn, các nhà giáo chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng môn học này trong năm học mới.

Giờ Ngữ văn của cô trò Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).
Giờ Ngữ văn của cô trò Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).

Những hạn chế trong dạy học Ngữ văn

Chia sẻ về những hạn chế trong dạy học Ngữ văn hiện nay, cô Đinh Thị Thuỷ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) nhắc đến đầu tiên là thực trạng giáo viên xác định trọng tâm kiến thức, kĩ năng còn chưa đảm bảo. Cụ thể, giáo viên liệt kê mục tiêu năng lực, phẩm chất còn “ôm đồm”, nhưng khi tiến hành tiết dạy trong thực tế lại không đạt được kì vọng.

Một hạn chế khác là máy móc trong thực hiện các hoạt động. Theo đó, giáo viên thường xuyên bị áp lực trong việc phải cho học sinh thảo luận nhóm, làm dự án, sản phẩm học tập, nhưng chưa thực sự căn cứ vào đặc điểm, năng lực học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường.

Ngoài ra, thiếu tự tin, sáng tạo trong dạy học, tiết dạy học Ngữ văn hoặc bị dập khuôn theo tư duy cũ (cung cấp kiến thức), hoặc xơ cứng khi quá chú trọng vào đặc điểm thể loại, cũng là một hạn chế được cô Đình Thị Thuỷ nêu ra.

Từ thực tiễn dạy học ở trường vùng khó, cô Lê Thị Vân Anh, giáo viên Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) nhận định nhiều thầy cô trong dạy học vẫn loay hoay trong đổi mới phương pháp giảng dạy; dạy học theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Từ đó, cô Lê Thị Vân Anh cho rằng,thầy cô cần nắm vững phương pháp đổi mới, quan điểm dạy học tích cực, không ngừng tự học hỏi và sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn. Đổi mới nhưng cần áp dụng phù hợp theo đối tượng học sinh, giúp các em phát huy được năng lực, hứng thú với môn học.

“Đối với học sinh miền núi, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, cần quan tâm và chú trọng hơn trong hoàn thiện năng lực ngôn ngữ và dần hình thành các năng lực nghe - nói- đọc- viết”, cô Lê Thị Vân Anh lưu ý thêm.

Giáo viên dạy Ngữ văn cần chuyển từ quan tâm học sinh “học cái gì” chuyển sang quan tâm “học như thế nào”.

Giáo viên dạy Ngữ văn cần chuyển từ quan tâm học sinh “học cái gì” chuyển sang quan tâm “học như thế nào”.

Chú trọng “dạy cách” thay cho “dạy cái”

Theo cô Nguyễn Thị Giang Hương, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), Ngữ văn là môn học công cụ quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, rất cần giải pháp tổng thể để cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học.

Trước hết, Ban giám hiệu, Ban chuyên môn giữ vai trò quan trọng trong chỉ đạo, định hướng sát sao, liên tục các hoạt động chuyên môn. Chú trọng đổi mới, nâng cao triệt để sinh hoạt tổ, nhóm hàng tuần theo hướng nghiên cứu bài dạy. Cụ thể: bám sát chương trình, đào sâu, bàn kĩ các bài khó, huy động sức mạnh tập thể giáo viên cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học các tiết mới, khó, dự giờ, rút kinh nghiệm.

Đồng thời, đẩy mạnh phong trào giáo viên dạy giỏi Ngữ văn, học sinh yêu thích môn Ngữ văn trong nhà trường. Với việc này, tổ nhóm chuyên môn xây dựng chi tiết kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo kèm cặp học sinh yếu kém, từng bước nâng cao chất lượng môn Ngữ văn. Cũng cần sớm thành lập và đi vào hoạt động câu lạc bộ Nghệ thuật, góp phần đưa môn Ngữ văn đi vào đời sống tinh thần của học sinh trong trường.

Với giáo viên, theo Nguyễn Thị Giang Hương, cần trang bị phương pháp dạy học Ngữ văn thông qua việc đọc mở rộng (theo thể loại, chủ đề, tác giả) giúp học sinh mở rộng thêm vốn đọc; hướng dẫn học sinh thiết kế các sản phẩm học tập Ngữ văn theo tinh thần sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm chất văn.

Thầy cô hình thành được cho học sinh cách đọc, tự học, chuyển từ phương pháp tiếp cận, đọc hiểu, đến cách thức tạo lập văn bản và nghe - nói. Khuyến khích học sinh đọc sách, tài liệu đúng, xem đó như một công cụ, tuyệt đối không để lệ thuộc sách tham khảo…

Không có phương pháp vạn năng áp dụng tốt như nhau cho tất cả học sinh. Bởi vậy chỉ có thể áp dụng một số phương pháp phù hợp xuất phát từ đặc điểm bộ môn Ngữ văn để giúp trò học tập hiệu quả.

“Thầy cô hãy chú trọng “dạy cách” (cách đọc sách, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới…), chuyển từ quan tâm học sinh “học cái gì” chuyển sang quan tâm “học như thế nào”, truyền cảm hứng giúp học trò có tinh thần thoải mái, hứng thú học tập. Giáo viên định hướng việc học của học sinh, giúp các em tìm ra phương pháp học, biết cách tìm kiếm, chắt lọc, xử lý thông tin để hình thành kiến thức mới, vận dụng vào thực tiễn, sống tốt hơn”, cô Nguyễn Thị Giang Hương cho hay.

“Làm thế nào để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập; làm thế nào để dạy các em cách đọc hiểu văn bản khác cùng thể loại hoặc loại hình; làm sao đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn; xây dựng đề kiểm tra định kỳ đánh giá đúng năng lực học sinh; xây dựng đáp án và hướng dẫn chấm hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm; việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đối với học sinh học theo chương trình hiện hành để chống văn mẫu trong nghị luận văn học… sẽ là những vấn đề cấp thiết, là con đường dài chúng tôi cần làm ngay ở năm học 2023 - 2024”.

Cô Nguyễn Thị Giang Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.