Phương pháp dạy học kỹ thuật thanh nhạc cho giáo viên âm nhạc trường phổ thông

GD&TĐ - Tham luận tại hội thảo “Bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”, ThS. Trần Mai Tuyết - Khoa Thanh Nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương – chia sẻ một số phương pháp chủ đạo.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Luyện tập các kĩ thuật cơ bản

ThS. Trần Mai Tuyết cho biết: Tư thế hát là yếu tố đầu tiên cần chú ý khi dạy học hát. Đối với sinh viên sư phạm âm nhạc, việc chú ý đến tư thế khi hát không chỉ là yêu cầu trong quá trình luyện tập để hát đúng, hát hay mà còn để sau này áp dụng vào thực tiễn giảng dạy ở phổ thông. Rèn luyện tư thế khi hát là một trong những điều kiện cần thiết để tạo ra nền tảng ban đầu cho quá trình luyện thanh đối với mỗi sinh viên.

Kỹ thuật mở khẩu hình là kỹ thuật quan trọng trong dạy học hát. Trong vấn đề khẩu hình không chỉ có hoạt động của khuôn miệng, của môi, cằm mà còn liên quan đến nhiều bộ phận khác như lưỡi, răng, hàm ếch… Việc rèn luyện khẩu hình nên được áp dụng ngay từ những năm đầu tiên của việc học hát bởi vì rèn luyện khẩu hình sẽ tạo cho sinh viên thói quen mở khẩu hình đúng và mềm mại khi hát.

Hơi thở là yếu tố quan trọng trong ca hát, có thành công hay không một phần rất lớn là do hơi thở. Khác với việc luyện tập tư thế khi hát thì việc rèn luyện hơi thở khi hát khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều, cần phải được luyện tập một cách kiên trì và đúng phương pháp. Có 4 kiểu hơi thở cơ bản cần phải luyện tập, đó là: thở ngực, thở ngực và bụng, thở ngực dưới và bụng, thở bụng.

Rèn luyện một số kỹ thuật hát

Theo ThS. Trần Mai Tuyết, trong quá trình học tập kĩ thuật thanh nhạc, nhiệm vụ vô cùng quan trọng của người hát là nắm vững các cách hát và những yêu cầu kĩ thuật khác nhau như: Cách hát liền tiếng, hát âm nảy, hát sắc thái to nhỏ,… Biết hát tốt những yêu cầu kĩ thuật đó để có thể chủ động áp dụng và giải quyết mọi yêu cầu biểu hiện tác phẩm.

Kỹ thuật hát liền tiếng: Hát liền tiếng là một kỹ thuật nền tảng của bất cứ ai học thanh nhạc và đòi hỏi luyện tập thường xuyên, lâu dài suốt cả quá trình học chứ không thể chỉ trong thời gian đầu khi mới học hát. Để có được kỹ thuật hát legato cần có phương pháp luyện thanh có hiệu quả. Ban đầu rèn luyện những mẫu luyện thanh cơ bản với giai điệu đơn giản, dần dần đến các mẫu giai điệu khó hơn. Sau đó, mới áp dụng vào bài hát cụ thể.

Kỹ thuật hát âm nảy: Đây cũng là một trong những kỹ thuật quan trọng của thanh nhạc. Kỹ thuật này hỗ trợ tốt cho việc phát triển giọng hát bởi vì nó làm cho cơ quan phát âm và truyền âm hoạt động linh hoạt hơn, tạo điền kiện thuận lợi cho việc mở rộng âm vực.

Hát sắc thái to dần nhỏ dần: Kỹ thuật hát to dần hay nhỏ dần là cách hát âm thanh đều đặn, liên tục, không bị gãy, không ngắt quãng, không thay đổi vị trí của âm thanh. Rèn luyện kỹ thuật hát to dần hay nhỏ dần đem lại nhiều lợi ích to lớn trong phát triển môn Hát và giọng hát.

Lựa chọn và giao bài phù hợp

Việc lựa chọn và tập bài hát phù hợp cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình giảng dạy thanh nhạc.

Để phù hợp với hát tập thể cần có một số tiêu chí lựa chọn như sau: Có nội dung mang tính GD; Có chất lượng nghệ thuật; Sử dụng các kĩ thuật thanh nhạc không quá khó; Nhịp điệu rõ ràng, dễ hát, ít đảo phách, ngâm ngợi; Giai điệu không quá khó, âm vực trong phạm vi vừa phải; Đa dạng về thể loại, về tính chất;…

ThS. Trần Mai Tuyết nhấn mạnh: Dạy học thanh nhạc là hoạt động của người dạy và người học nhằm phát triển khả năng, hoàn thiện kỹ thuật, thể hiện các bài hát một cách trọn vẹn, đạt tính thẩm mỹ. Với sinh viên sư phạm âm nhạc ra trường trở thành giáo viên dạy hát ở phổ thông thì yêu cầu rèn luyện các kỹ thuật hát không cao như chuyên nghiệp nhưng cũng đều phải được học hầu hết các kỹ thuật nêu trên.

Chính vì những yêu cầu căn bản của thanh nhạc nên cần phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ giảng dạy âm giỏi chuyên môn, có kỹ thuật hát tốt nhưng đồng thời cũng là những người có phương pháp sư phạm tốt. Việc đào tạo đội ngũ giáo viên âm nhạc như vậy sẽ nâng cao hơn nữa trình độ văn hóa thường thức và biểu diễn âm nhạc của xã hội.

Học hát là nội dung đặc trưng của môn Âm nhạc, nội dung này được triển khai từ lớp 1 đến lớp 9. Số lượng bài hát chính thức ở tiểu học là 55 bài, ở THCS là 28 bài.

ThS. Trần Mai Tuyết - Khoa Thanh Nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương – cho biết: Nhìn chung, hiện nay đội ngũ giáo viên âm nhạc ở phổ thông cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Về mặt thanh nhạc, đòi hỏi sinh viên sinh viên âm nhạc sau khi ra trường hát đúng và không những vậy còn phải hát làm sao càng hay càng tốt thì mới hấp dẫn HS, làm cho HS yêu thích, hứng thú học tập môn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ