Hội thảo làm rõ tính cấp thiết, những yếu tố ảnh hưởng cũng như đánh giá thực trạng công tác bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều vấn đề quan trọng được tập trung thảo luận tại hội thảo, như: Sự cần thiết của việc bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông. Thực trạng hoạt động bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông để có thể đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hội thảo cũng trao đổi về một số vấn đề đặt ra, những yêu cầu của công tác bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông; những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
PGS.TS Đào Đăng Phượng – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương – cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã và đang bước vào tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hệ thống giáo dục đã có bước phát triển mạnh mẽ, thực hiện được các mục tiêu xây dựng nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí, trang bị kỹ năng, định hướng nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục đã có những thay đổi, chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”. |
Sự thay đổi đó đến từ nhiều yếu tố, trong đó phải nhắc đến những định hướng, đổi mới trong xây dựng chương trình giáo dục. Năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT ban hành. Chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật và đã được đưa vào chương trình dạy học cấp tiểu học, THCS và THPT và là các môn bắt buộc.
Sự cần thiết, vai trò của giáo dục nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được thể hiện ở mục đích đào tạo con người mới Việt Nam phát triển cân đối, hài hòa và toàn diện. Và mục tiêu của giáo dục nghệ thuật ở trường phổ thông nhằm góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh.
Đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho học sinh.