Chị Ngô Thúy Nga - Yên Nghĩa (Hà Đông - Hà Nội): Nên cho học sinh thi theo bài
Nhiều người lo lắng nếu thực hiện phương án thi theo bài học sinh sẽ lo lắng, bỡ ngỡ, nhưng riêng tôi lại mong muốn kỳ thi THPT quốc gia sẽ tới sẽ áp dụng phương án 2, tuy nhiên có điều chỉnh một chút là học sinh sẽ làm 5 bài thi chứ không phải 4 như dự thảo.
Có thể bản thân yêu cầu cao, nhưng tôi luôn mong con mình được trang bị kiến thức toàn diện và tự có ý thức trang bị kiến thức toàn diện cho bản thân.
Hiện có những trường hợp học sinh chỉ tập trung học các môn khoa học tự nhiên mà không chú ý đến khoa học xã hội, chắc chắn điều đó cũng sẽ tạo ra một công dân trưởng thành trong tương lai chưa thực sự hoàn thiện.
Tôi có con năm nay học lớp 11, và khả năng rất cao con tôi cũng như các bạn cùng lứa sẽ tham gia kỳ thi THPT Quốc gia mới này. Đọc dự thảo, tôi đồng tình với việc kỳ thi được tổ chức trong tỉnh với nhiều cụm thi.
Bởi nếu chỉ tập trung ở các thành phố lớn sẽ vô cùng áp lực cho học sinh và phụ huynh chúng tôi trong việc đi lại, ăn ở. Kỳ thi vốn đã áp lực, phải lo thêm chuyện đi lại, ăn ở cho các con sao cho an toàn quả thực khiến chúng tôi rất căng thẳng.
Bởi vậy, nên chia nhỏ các cụm thi để tạo thuận lợi cho học sinh trong đi lại, ăn ở. Điều này cũng giảm tốn kém rất nhiều.
Tôi cũng biết đây sẽ là kỳ thi để thực hiện 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các trường ĐH xét tuyển thí sinh vào trường.
Với mục đích này, tôi ủng hộ việc phối hợp giữa hai lực lượng đại học và phổ thông, nhưng nên cho khối đại học chủ trì, kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc hơn.
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đều mong muốn có một kỳ thi thật công bằng, nghiêm túc, khách quan. Tôi đặt kỳ vọng kỳ thi theo cách mới sẽ giúp con tôi có động lực để cố gắng ngay từ bây giờ. (Hiếu Nguyễn ghi)
Chị Ngô Thị Xuân (Sóc Sơn - Hà Nội): Nên cho học sinh làm quen với bài kiểm tra theo hướng tích hợp, liên môn
Con tôi năm nay lên lớp 11 Trường THPT Sóc Sơn, vì vậy mà trong những ngày vừa qua, cả nhà tôi đều nghiên cứu và đọc rất kỹ các phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Dù thi theo phương án nào thì theo tôi ở trường học, giáo viên cũng nên cho học sinh làm quen dần với việc làm bài kiểm tra theo hướng tích hợp, liên môn trong một đề thi, để các em sớm bắt kịp với những chủ trương đổi mới của Ngành.
Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm đổi mới trong thi cử và kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ĐT. Vì vậy với 3 phương án môn thi mà Bộ vừa công bố, theo tôi thi theo phương án 1 - thi theo môn là hợp lý và đảm bảo công bằng với mọi đối tượng học sinh vùng miền.
Bản thân con em chúng tôi thuộc vùng nông thôn nên điều kiện học tập vẫn còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, từ trước tới nay, qua theo dõi các bài kiểm tra của con tôi vẫn theo hướng đơn môn, học gì kiểm tra nấy do vậy nếu mà thi theo bài (phương án 2 hoặc 3) thì không biết con em chúng tôi phải làm như thế nào.
Tôi cho rằng dù thi theo phương án nào thì ở trường học, giáo viên cũng nên cho học sinh làm quen dần với việc làm bài kiểm tra theo hướng tích hợp, liên môn trong một đề thi, để các em sớm bắt kịp và không bị bỡ ngỡ với những chủ trương đổi mới của Ngành. (Minh Phong ghi)
Chị Phạm Thị Thanh - Phường Nguyễn Trãi (Hà Nội): Cha mẹ học sinh mong một kỳ thi thực chất
Có con đi học, phụ huynh nào cũng muốn con mình được phát triển toàn diện. Nhưng trên thực tế, mỗi cháu đều có sở trường, sở đoản và người lớn không thể và không nên ép các cháu phải theo ý mình.
Do đó, tôi cho rằng, yêu cầu làm các bài thi tích hợp ngay là quá nặng với các con. Từ thực tế đó, phương án 1 - thi theo bài - theo tôi là phương án nên được lựa chọn.
Tôi hoàn toàn nhất trí với việc thi theo cụm, học sinh tỉnh nào thi ở tỉnh đó. Nếu gần đến ngày thi, tâm lý căng thẳng, lại phải khăn gói quả mướp cùng con đến một tỉnh khác hoàn toàn xa lạ, lo đi lại, ăn ở, quả thật chúng tôi rất lo lắng, có khi phải lo trước khi thi đến vài tháng. Cũng nên có nhiều cụm thi trong tỉnh, phù hợp với cơ sở vật chất, điều kiện thực tế các địa phương.
Theo dõi 2 kỳ thi quốc gia trong nhiều năm qua, tôi thấy mình rất tin tưởng vào chất lượng kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đó là một lý do tôi đề nghị nên cho các thầy cô ở đại học tham gia kỳ thi này.
Mặc dù có con đi thi, nhưng chúng tôi không muốn các cháu được thả lỏng, dễ dãi. Chúng tôi mong có một kỳ thi thực sự công bằng, nghiêm túc, đánh giá thực chất, khách quan sức học của con em mình. (Hiếu Nguyễn ghi)
Chị Phạm Thị Nhung (Tiên Lữ - Hưng Yên): Nên thực hiện chấm chéo giữa các vùng
Con gái tôi năm nay lên lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Tiên Lữ - Hưng Yên). Tôi cũng đã đọc và nghiên cứu kỹ Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Tôi cho rằng thi theo phương án 1 là hợp lý hơn cả. Đây là phương án phù hợp với năng lực học tập của con em chúng tôi vùng nông thôn.
Bản thân tôi cũng là một giáo viên, nên tôi thấy việc dạy liên môn, tích hợp vẫn hoàn toàn mới mẻ đối với chúng tôi nên nếu thi theo bài như phương án 2 hoặc phương án 3 thì cũng khó cho các em học sinh.
Thực tế cho thấy, ngay cả những thành phố lớn, vẫn chưa thực hiện việc dạy và học, kiểm tra đánh giá theo hướng liên môn tích hợp.
Thi theo phương án 2 hoặc phương án 3, vô hình trung, chính chúng ta lại làm cho kỳ thi trở nên nặng nề và áp lực..
Chính vì vậy tôi cho rằng, những mới lạ trong việc giảng dạy, học tập và ra đề thi tích hợp mà ở các thành phố có điều kiện kinh tế và chất lượng giáo dục phát triển chưa thể thực hiện được thì đối với những địa phương khó khăn lại càng khó triển khai.
Ngoài ra, ở các trường học, không phải giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nào cũng có đủ năng lực, trình độ để ra đề thi tích hợp gồm nhiều môn thi.
Từ những lý do trên cho thấy, năm 2015, Bộ GD&ĐT nên quyết định tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia theo phương án 1.
Còn về địa điểm tổ chức thi, tôi cho rằng nên bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Chủ tịch Hội đồng coi và chấm thi phải là Hiệu trưởng các trường đại học nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng. Giám thị coi thi và chấm thi nên có khoảng 50% là giáo viên các trường THPT.
Việc chấm thi cũng nên thực hiện chấm chéo theo vùng miền. Tức là, giáo viên, cán bộ chấm thi ở vùng A sẽ sang chấm ở vùng B, hoặc C nào đó để tránh những tư tưởng cục bộ địa phương có thể xảy ra. (Minh Phong ghi)
Chị Nguyễn Thanh Thảo (Hải Phòng): Cần phải có lộ trình để áp dụng từng phương án
Tôi đồng ý tổ chức một kì thi quốc gia chung với các phương án mà Bộ GD&ĐT đã đề ra. Các phương án này là một sự cải tiến tốt, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục và quan trọng hơn sẽ tạo ra môi trường công bằng hơn trong tuyển sinh.
Trong năm 2015, tôi nghiêng về phương án 1. Theo phương án này, học sinh đỡ bỡ ngỡ hơn.
Phương án 2 trong năm 2017, tức là áp dụng cho học sinh sinh năm 2000 trở đi. Hãy để cho các em có thời gian 3 năm học cấp 3 (lớp 10, 11, 12) để chuẩn bị.
Với cách thi trước và chọn trường xét tuyển sau có thể giảm thiểu được trường hợp các em học sinh bị trượt đại học oan khi các em đã đăng ký vào các trường tốp trên và các ngành có điểm chuẩn cao.
Việc đổi mới thi sẽ tạo điều kiện cho tất cả các em được vào đại học, và chọn được trường, ngành phù hợp với sức học của các em.
Tuy nhiên, cần phải có lộ trình để áp dụng từng phương án.
Trong năm 2015, tôi nghiêng về phương án 1. Theo phương án này, học sinh đỡ bỡ ngỡ hơn. Các em ngoài việc học 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, sẽ học thêm 1 môn mà các em đang đầu tư ôn luyện theo cách thi theo khối như năm trước.
Phương án này phù hợp với tình hình dạy học ở các nhà trường hiện nay và không có sự thay đổi lớn so với năm 2014, từ cách ra đề thi, giảm bớt môn thi tốt nghiệp...
Phương án 2 trong năm 2017, tức là áp dụng cho học sinh sinh năm 2000 trở đi. Hãy để cho các em có thời gian 3 năm học cấp 3 (lớp 10, 11, 12) để chuẩn bị.
Nếu thực hiện phương án 2 hoặc phương án 3 ngay trong năm 2015 sẽ gây sự hoang mang cho các em chuyên học khối A, B, C... Vì mục tiêu của các em là thi đỗ ĐH, CĐ thì tất nhiên các em phải học chuyên về những môn mà các em chuẩn bị thi như Toán, Lý, Hóa, Sinh... trong suốt 3 năm học cấp 3.
Tôi nghĩ rằng các học sinh có học lực tốt sẽ dễ dàng vào các trường đại học, dù có tổ chức thi dưới bất cứ hình thức nào. Việc đánh giá học sinh qua năng lực là xu thế tất yếu của nền giáo dục hiện đại. (Việt Cường ghi)
Chị Đinh Thị Như Nguyệt - Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp): Nên chọn phương án thi theo môn
Tôi năm nay có con học lớp 12, đồng thời cũng là giáo viên trường THPT nên rất quan tâm đến việc đổi mới thi cử.
Vừa rồi, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Nghiên cứu dự thảo, tôi thấy rằng nên chọn phương án 1 - thi theo môn vì những lý do sau:
Thi theo môn sẽ giúp các em học sinh chọn đúng môn học thế mạnh của mình, phát huy tối đa năng lực, sở trường. Cách thi này cũng tạo nhiều cơ hội cho học sinh chọn môn thi đại học. Đồng thời, các em có thể chọn môn thi tốt nghiệp đúng với các khối thi đại học, cao đẳng. Đây là yếu tố giúp kết quả thi tốt nghiệp và đại học được nâng cao.
Ngoài ra, phương án thi theo môn không chỉ giúp cả giáo viên và học sinh giảm áp lực mà còn tạo thuận lợi cho việc chấm bài thi, giáo viên đánh giá đúng mức độ học của học sinh khi đề thi đã có sự phân hóa rõ ràng.
Nếu áp dụng 2 phương án còn lại, chắc chắn sẽ khiến người dạy, người học và cả cha mẹ học sinh lo lắng. Để khả thi, cần có một sự đầu tư, chuẩn bị lâu dài về kiến thức và cả tâm lý.
Về tổ chức thi, nếu theo những cụm thi lớn sẽ tốn kém thời gian và chi phí, phương tiên di chuyển khó khăn nhất là những nơi vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Còn chấm thi theo vùng miền đòi hỏi phải quy tụ một lực lượng chấm thi có nhiều kinh nghiệm. Điều này cũng sẽ gây tốn kém cả thời gian và chi phí đi lại. (Hiếu Nguyễn ghi).