Chủ động rẽ hướng
Tốt nghiệp đại học, Thịnh chọn con đường dạy học như truyền thống gia đình. Bốn năm giảng dạy, Thịnh vẫn nghĩ đến việc xây dựng một con đường riêng, chủ động hơn về mặt thời gian và thu nhập. Ý tưởng kinh doanh hình thành trong những chuyến du lịch đến các nước lân cận. Thịnh nhận thấy, hương vị tào phớ ở các nước này rất khác lạ. Về nước, anh bắt đầu vạch kế hoạch tỉ mỉ cho ngã rẽ.
Thịnh tâm sự: “Quan sát thị trường, mình thấy tào phớ truyền thống được bán chủ yếu qua các gánh hàng rong. Điều này dần dần sẽ không phù hợp. Việc kinh doanh đòi hỏi sự khác biệt. Do vậy, mình phải nghĩ ra cái mới nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống”.
Dành thời gian tìm hiểu, đi hết các ngóc ngách Hà Nội để tìm kiếm các hương vị tào phớ, Thịnh đã tìm ra “bí quyết” cho món tào phớ của mình. Thịnh còn chọn hạt gạo để đưa vào kinh doanh. Anh chia sẻ: “Chọn kinh doanh các món ăn chế biến từ các loại hạt là cái duyên.
Bạn bè hay gọi đùa mình là “phù thủy” của các loại hạt. Khi gắn bó với các loại hạt, như đỗ tương, gạo… mình luôn nghĩ cách biến tấu để các nguyên liệu ấy có thể chế biến thành những món mới”.
Kinh doanh xuyên Việt
Sau 7 năm khởi nghiệp, Phước Thịnh đã xây dựng thành công chuỗi cửa hàng tào phớ, nước gạo rang trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều bạn trẻ tin rằng, kinh doanh chỉ cần đam mê là đủ. Nhưng với Thịnh, đam mê chỉ là một yếu tố dẫn đến thành công. Ngoài ra, bạn còn phải chuẩn bị nhiều yếu tố khác, như: Ý tưởng, tài chính, nhân sự, địa điểm…
Ông chủ trẻ chia sẻ: “Ai khởi nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Vốn là một người tay ngang nhảy vào kinh doanh, mình rất chật vật. Việc quản lý nguyên liệu để không bị thất thoát, quản lý nhân sự để họ làm đúng quy trình, quản lý tài chính sao cho hiệu quả… khiến mình rất đau đầu.
Suốt chặng đường, thiếu kiến thức nào thì mình tự học để bổ khuyết phần ấy. Ngoài ra, mình tìm gặp để nói chuyện với những người kinh doanh thành công lẫn thất bại, lắng nghe ý kiến từ họ, coi đây là những bài học quý giá để giảm thiểu rủi ro. Ý tưởng là cái đầu tiên cần có nhưng thành bại là do cách thực hiện”.
Việc kinh doanh ẩm thực khắp ba miền mang đến cho Thịnh nhiều trải nghiệm thú vị. Anh thường xuyên đến các tỉnh, thành, gặp gỡ nhiều bạn trẻ có cùng đam mê, kết giao nhiều cộng sự tốt, giúp “giữ lửa” cho thương hiệu.
Đến với một địa bàn mới, Thịnh lại dành thời gian để tìm hiểu con người, khẩu vị ăn uống, thói quen tiêu dùng của người dân để có phương án kinh doanh phù hợp: “Ở miền Bắc, khách hàng thích vị thanh, mát dịu, không quá ngọt. Trong khi đó, khách hàng ở miền Trung và Nam lại thích vị ngọt đậm, nóng, nước đường cô đặc”.