Phóng viên trẻ nhiệt huyết với nghề

GD&TĐ - Mỗi nhà báo, phóng viên khi đến với nghề đều có cơ duyên gắn bó với công việc, với tòa soạn. Với họ, mỗi ngày trôi qua, được làm việc, được xách ba lô và máy ảnh đi là một lần được sống nhiệt huyết với con đường mình đã lựa chọn.

Phóng viên Lê Dung
Phóng viên Lê Dung

Thay đổi mình để trưởng thành hơn

Cái tên Xuân Tùng ở báo Tiền phong không còn xa lạ đối với anh em làm báo chí ở mảng công tác Đoàn. Không học chuyên ngành báo chí, nhưng yêu nghiệp viết lách và tập tành đến với nghề từ khi còn là sinh viên năm thứ 2, phóng viên Xuân Tùng đã mơ ước ra trường sẽ được làm nghề báo – nghề mà anh yêu thích và báo Tiền phong chính là nơi anh chọn làm “bến đỗ”.

Những tưởng cứ đam mê, cứ yêu thích là có thành công, nhưng Xuân Tùng cũng cho biết, anh đã gặp không ít khó khăn khi bắt tay với công việc: “Tôi không học chuyên ngành báo chí mà học ngành ngôn ngữ học. Những kỹ năng từ viết tin, dựng bài và chụp ảnh đều được tích luỹ từ việc đọc báo, trải nghiệm thực tế đi làm và sự hướng dẫn của bạn bè, đồng nghiệp. Tôi không nhớ đã bao đêm thức trắng và trăn trở với những bài viết. Chỉ biết rằng tôi luôn tự động viên mình phải nỗ lực từng ngày để trở thành cây viết có ích cho xã hội” – anh chia sẻ.

Làm báo với anh, có lẽ ấn tượng nhất là mỗi chuyến đi. Gặp Xuân Tùng ở tòa soạn hơi khó, vì chuyến đi nào, anh cũng sẵn sàng xung phong lên đường. Bởi theo anh, mỗi chuyến đi mang cho mình cơ hội biết thêm vùng đất mới, gặp những con người mới và những câu chuyện “không cũ”. Từ đó ngoài việc được làm nghề, anh được bổ sung thêm kiến thức để mình “lớn” hơn.

Mỗi chuyến đi một bài học kinh nghiệm quý

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, được nhận vào làm việc tại tòa soạn báo Tuổi trẻ thủ đô, nữ phóng viên Lê Dung tưởng chừng như không còn gì hạnh phúc hơn bởi từ nay, mình sẽ được “cầm bút” chiến đấu. Thế nhưng, kể về những ngày đầu mới bước chân vào nghề, Lê Dung đã gặp không ít những khó khăn nhưng với cô, đó là những kỉ niệm rất đẹp:

“Ngày ấy, khi mới vào nghề, một mình tôi “khăn gói” rời Hà Nội lên huyện Phong Thổ, Lai Châu - tỉnh miền núi Tây Bắc còn nhiều khó khăn để thực hiện loạt bài viết về những con người “bám đất, bám bản”, giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Họ là những chiến sĩ bộ đội biên phòng, thầy cô giáo, học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số...

Đêm đầu tiên, tôi ngủ lại trong căn nhà lá lụp xụp của gia đình cô giáo Trường Tiểu học số 1 Huổi Luông. Lạ nhà, tiếng mưa, gió rừng khiến tôi mất ngủ cả đêm. Sáng sớm hôm sau, tôi ngồi xe máy cùng một thầy giáo trẻ lên thăm điểm trường Huổi Luông 2. Cơn mưa đêm hôm trước khiến đường ướt loét nhoét, chúng tôi đành dắt xe cuốc bộ. Lần đầu tiên lên miền núi, vượt những dốc đá cheo leo, vực sâu thăm thẳm, không quen đường nên tôi ngã đến ba lần, trẹo cả chân, quần áo lấm lem bùn đất, rồi bị cảm cúm vì thời tiết khắc nghiệt.

Đi hết gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng có mặt tại điểm trường Huổi Luông 2. Lần đầu tiên “mắt thấy, tay sờ” vào những phên tre nứa, mái lá dựng thành phòng học, phòng ở của giáo viên, chứng kiến trẻ em chân đất, áo rách tơi tả đến trường, tôi hiểu, thầy cô và học sinh ở đây gặp khó khăn đến nhường nào…”.

Chuyến đi ấy cũng khiến nữ phóng viên trẻ đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm quý giá, bồi đắp cho mình nguồn cảm hứng, khả năng viết bài. Lê Dung cho rằng, mỗi chuyến đi, người cầm bút sẽ có những bài viết sâu sắc, “có hồn” hơn khi lăn lộn vào thực tế cuộc sống, gần gũi với nhân dân.

Nữ phóng viên gắn bó với mỗi mùa thi

Nữ phóng viên Mai Bích Châm của báo Dân trí cũng không phải là cái tên xa lạ gì với các phóng viên trẻ ở các tòa soạn khác. Xinh đẹp, nhanh nhẹn và yêu nghề báo, Mai Châm đã “sống” với nghề được gần chục năm sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền. Đó cũng là ngần ấy thời gian cô gắn bó với những mùa thi đại học.

Lăn lộn ở các trường thi những ngày nắng đỉnh điểm, mồ hôi nhễ nhại từ sáng sớm cho đến khi người nhà và thí sinh về hết, hình ảnh nữ phóng viên trẻ ôm máy ảnh và máy tính và những dụng cụ tác nghiệp di chuyển từ điểm thi này đến điểm thi khác khiến nhiều bạn trẻ khâm phục.

Với Mai Châm, đó là những niềm vui vì mình được chắp bút phản ánh không khí trường thi, rồi những vấn đề “nóng” trong ngày quan trọng này: “Từ khi Bộ GD&ĐT có hình thức thi mới là Kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh không còn phải đi xa nữa, giao thông thuận lợi khiến các em đỡ vất vả hơn, khiến tôi thấy nhẹ nhõm rất nhiều”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.