Phòng vẫn hơn chống

GD&TĐ - Nghị định 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 04) chính thức có hiệu lực.

Một trong những nội dung được giáo viên và HS, SV quan tâm là quy định về xử lý hành vi xúc phạm nhà giáo, HS, SV có những đổi mới đáng kể. 

Ngoài mức xử phạt tương đương Nghị định 138/2013 xử lý hành vi xúc phạm nhà giáo, người học, Nghị định 04 quy định bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả mang tính nhân văn. Cụ thể, buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể; trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể (hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên) có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Danh dự, nhân phẩm của cá nhân được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ và là một trong những quyền về nhân thân cơ bản của con người. Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 quy định mọi người được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm; không bị bất kỳ hình thức đối xử nào xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm. Luật Giáo dục 2019 cũng ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của giáo viên và học sinh, trong đó có quyền được tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm. 

Thế nhưng, thời gian qua không ít sự việc có tính chất xúc phạm nhà giáo, HS, SV diễn ra tại một số trường học trên cả nước, gây bức xúc dư luận. Mặc dù hệ thống pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo, người học khá đầy đủ, song việc áp dụng vào cuộc sống có lúc vẫn còn lúng túng. Nhiều hiệu trưởng cho biết, trong nhà trường việc bảo vệ, giữ gìn đạo đức nhà giáo; bảo vệ thân thể, tinh thần của học sinh lâu nay được ngành quy định khá rõ ràng, các trường vẫn thực hiện. Nhưng việc xác định rõ các hành vi xúc phạm nhà giáo, học sinh theo quy định pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể, bởi trong môi trường giáo dục, để xác định thế nào là xúc phạm không dễ dàng với nhà trường. Lực lượng thanh tra trong lĩnh vực này cũng rất mỏng nên khó phát hiện kịp thời các sai phạm. 

Đặc biệt, trừ những hành vi đến mức xử lý hình sự hoặc có biên bản ghi nhận chứng cứ để xử lý hành chính, còn lại đa phần không có chứng cứ ghi nhận, không lập biên bản. Có phụ huynh quá tin con em, chưa nắm được vấn đề đã vội gọi điện thoại hay thậm chí xông vào tận trường to tiếng chửi bới thầy cô, làm tổn thương tâm lý, tình cảm của nhà giáo, ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của môi trường GD. Thế nhưng vì không có chứng cứ lưu lại (ghi âm, ghi hình…) hay biên bản làm việc nên phụ huynh cũng chỉ rút kinh nghiệm, còn thầy cô khó xóa nỗi đau. Có giáo viên chì chiết, miệt thị học sinh trong lớp khiến các em  ức chế, nhưng các em cũng không có bằng chứng để chứng minh (vì không được ghi âm, ghi hình), để rồi vì ấm ức mà dẫn đến giải pháp cực đoan… 

Để Nghị định 04 đi vào cuộc sống, bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo, người học một cách tốt nhất, rất cần hướng dẫn cụ thể hơn về các biểu hiện của hành vi, tập huấn kỹ cho người có thẩm quyền xử phạt, đồng thời tăng cường lực lượng nhân sự (thanh tra GD) hay vật lực (như camera) để phát hiện kịp thời các sai phạm. Đặc biệt, giáo viên và cả người học cần chủ động bảo vệ mình để hạn chế những hành vi xúc phạm thân thể và danh dự; nếu có xảy ra cần lưu giữ chứng cứ để phối hợp cùng cơ quan pháp luật có hình thức bảo vệ cho bản thân.

Dù nhận được rất nhiều kỳ vọng về việc bảo vệ an toàn cho nhà giáo, học sinh, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, thế nhưng cũng cần nhận thức được rằng Nghị định 04 không phải là “cây gậy vạn năng” giải quyết mọi vấn đề, mà cần phối hợp, sử dụng nhiều công cụ quản lý khác, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức. Bởi xử lý đúng, triệt để là tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu ở mỗi nhà trường không để xảy ra hành vi xúc phạm nhà giáo, người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.