Những sự việc như: phụ huynh vào trường bắt cô giáo quỳ; phụ huynh tát, đánh giáo viên; phụ huynh xông vào tận lớp đánh học sinh; phụ huynh ứng xử thô lỗ với giáo viên rồi quay clip đăng lên mạng… xảy ra trong môi trường giáo dục khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Nghề dạy học cần phải được bảo vệ đặc biệt hơn vì đây là môi trường giáo dục, giáo viên là người dạy dỗ các em học sinh. Chính vì vậy, Nghị định lần này đã quy định rõ hơn việc xử lý vi phạm các hành vi xúc phạm nhà giáo, học sinh, sinh viên. Đây sẽ là "cây gậy" để chủ tịch UBND các cấp, thanh tra giáo dục áp dụng để xử phạt.
TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Nhà giáo không chỉ được bảo đảm an toàn về thân thể mà quan trọng là giữ gìn danh dự, uy tín của nghề dạy học. Bảo vệ an toàn cho nhà giáo, người học là rất cần thiết, nhất là trong xu thế bùng nổ mạng xã hội như hiện nay.
“Vì vậy, các cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật cần quan tâm ngăn chặn để những sự việc xúc phạm nhà giáo, học sinh không xảy ra. Còn khi đã xảy ra thì cần căn cứ theo luật, qui định để xử phạt, đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe và giữ cho môi trường giáo dục được an toàn để giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học… Qui định xử phạt hành chính rất rõ ràng để chính quyền và cơ quan chức năng xử lý. Về phía giáo viên, cần chủ động bảo vệ cho mình để hạn chế những hành vi xúc phạm thân thể và danh dự; nếu có xảy ra cần lưu giữ chứng cứ để phối hợp cùng cơ quan pháp luật có hình thức bảo vệ cho bản thân”- TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Theo thầy Lê Việt Dương- Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), qui định xử phạt hành chính với hành vi xúc phạm nhà giáo, học sinh, sinh viên sẽ là căn cứ pháp lý để bảo vệ người dạy và người học. Từ đó, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, an tâm cho giáo viên, học sinh.
Thầy Lê Việt Dương nhìn nhận: Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục, để xác định thế nào là xúc phạm là điều không dễ dàng với nhà trường. Đặc biệt là vấn đề xúc phạm danh dự, uy tín của nhà giáo. Điều này chủ yếu dựa vào qui định của cơ quan pháp luật. Việc bảo vệ, giữ gìn đạo đức nhà giáo; bảo vệ thân thể, tinh thần của học sinh lâu nay đã được ngành Giáo dục qui định khá rõ ràng, cụ thể. Các nhà trường vẫn đang bám theo để thực hiện. Còn việc xác định rõ ràng các hành vi xúc phạm nhà giáo, học sinh thì cần có hướng dẫn cụ thể.
“Nhà trường cũng sẽ lắng nghe thêm ý kiến của phụ huynh học sinh về vấn đề này để lưu ý giáo viên, học sinh trước những biểu hiện xúc phạm đến uy tín, danh dự và thân thể bản thân trong quá trình dạy, học tại trường…”- thầy Dương bày tỏ.