Bằng mọi cách để vận động học viên đến lớp
Năm 2023, Trường Tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) vận động được 26 học viên trong xã tham gia lớp xoá mù chữ. Các học viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số (dân tộc Thái). Người ít tuổi nhất sinh năm 1985, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1969.
Theo thầy Nguyễn Minh Hoà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1, để vận động cũng như triển khai giảng dạy xoá mù chữ hiệu quả, nhà trường đã tham mưu với UBND xã, phối hợp với các ban ngành cấp trong xã như Hội Phụ nữ, Ban quản lý thôn, chi Hội phụ nữ thôn, … động viên học viên tham gia lớp học”.
Mặc dù vậy, Trường Tiểu học Tri Lễ 1 cũng phải đối mặt với khó khăn trong quá trình duy trì sĩ số lớp.
“Lớp học xoá mù chữ của trường tôi chủ yếu là phụ nữ đang độ tuổi lao động, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, chăm sóc con cái, nhiều người rất ham học nhưng vì điều kiện khách quan sẽ không tham dự đều đặn”, thầy Nguyễn Minh Hoà nói.
Do đó để nắm bắt tâm lý học viên, tạo điều kiện cho họ yên tâm hoàn thành khoá học, nhà trường đã phối hợp với các ban ngành cấp xã đặc biệt là thông qua Chi Hội phụ nữ, ban quản lý thôn đi khảo sát hoàn cảnh của từng học viên để xây dựng kế hoạch, thời gian biểu sao cho thuận lợi nhất để học viên tham gia đầy đủ.
Đồng thời thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt hội phụ nữ tuyên truyền cho người dân hiểu để hỗ trợ, tạo điều kiện cho học viên.
Khai giảng lớp xoá mù chữ ở Trường Tiểu học Tri Lễ 1. Ảnh NVCC. |
Chọn giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp
Lớp học xoá mù chữ, học viên khá nhiều lứa tuổi, đa số đang đi làm vì vậy Trường Tiểu học Tri Lễ 1 đã sắp xếp lịch học vào buổi tối. Do đó, nhà trường đã ưu tiên lựa chọn giáo viên nam, người bản địa, nhiệt tình, chịu khó tham gia giảng dạy.
Thầy Nguyễn Minh Hoà cho biết: “Chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giảng dạy làm mẫu, hướng dẫn một cách sát thực. Đặc biệt là các buổi dạy học giáo viên phải nói chuyện, trao đổi với học viên những phần khó, học viên chưa hiểu.
Bên cạnh đó, phân tích cho học viên hiểu giá trị của việc biết chữ để học bằng lái xe, sử dụng điện thoại, đi lao động ở các công ty hay vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế…”.
Năm 2023, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã tổ chức được 5 lớp xoá mù chữ với 108 học viên. Quá trình thực hiện công tác xoá mù chữ, ngoài sự quan tâm của Huyện uỷ, HĐND, UBND, Phòng GD&ĐT có sự hỗ trợ quyết liệt của các tổ chức đoàn thể cũng như Đồn biên Phòng, Đoàn kinh tế quốc phòng 4.
Các lớp xoá mù, Phòng GD&ĐT đã lồng ghép các nội dung phổ biến tuyên truyền phổ biến pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống xã hội, nhằm góp phần giảm nghèo, tăng năng suất lao động và từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,55% và 96,70%.
Giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã huy động được 53.965 người ra học (chiếm 68% trong tổng số người tham gia học xoá mù chữ của cả nước). Trong đó có 33.344 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 1 (với 27.890 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 86,2%) và 21.621 người theo học lớp xoá mù giai đoạn 2 (với 16.197 học viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 74,9%).
Hiện cả nước có 48/63 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 (đạt tỷ lệ 76,2%), nhưng chỉ mới 21 tỉnh được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Còn 27 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 nhưng chưa đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận.