Dùng tâm huyết để giảng dạy
Năm 2000 sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Điện Biên, cô Vừ Thị Pa được phân về công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).
Gần 23 năm gắn bó với người dân vùng khó, cô Pa thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiệt thòi khi người dân không biết chữ. Do đó được phân công giảng dạy lớp xoá mù chữ, cô đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu bài giảng, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với từng nhóm học viên.
Học viên xoá mù họ rất nhạy cảm, tự tin, ngại vì lớn tuổi mới đi học, tập viết, tập đánh vần. Vì vậy mỗi buổi học trong lớp có ai tiến bộ dù là nhỏ nhất, cô cũng dành những lời khen nhằm khích lệ họ cố gắng.
Cô Vừ Thị Pa học viên của mình. Ảnh NVCC. |
Bên cạnh đó, học viên là người dân tộc thiểu số chủ yếu dùng tiếng dân tộc (tiếng Mông) giao tiếp, cô Pa đã sử dụng song ngữ để giảng dạy, giải thích những thuật ngữ khó, trừu tượng cho người học.
Không những vậy, học viên của cô Pa là lao động chính trong gia đình nên thời gian, địa điểm tổ chức một cách linh hoạt, không gò bó, cứng nhắc, rập khuân hay quy tắc. Cô luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để học viên học tập hiệu quả, phương pháp dạy học mềm dẻo dễ tiếp thu.
Đồng thời, cô thành lập các tổ, nhóm hỗ trợ nhau trong học tập và lao động. “Nhờ vậy, tôi hạn chế được tối đa học viên nghỉ học vì khó khăn. Họ có động lực cùng nhau phấn đấu học tập và tham gia đầy đủ các buổi học”, cô Pa nói.
Theo cô Pa, lớp xoá mù chữ giáo viên không những chỉ dạy học mà cần thường xuyên trao đổi, gần gũi với học viên, tạo được sự thân thiện với người học; luôn thấu hiểu và chia sẽ những khó khăn cùng họ.
Nhiều học viên không có ai trông con, phải bế theo con nhỏ đến lớp cô lại vừa dạy học vừa trông con cho học viên để họ chú tâm tập đọc, tập viết. |
Mỗi bài học cố gắng liên hệ với những công việc hàng ngày trong gia đình, bản làng và quê hương để giúp họ dễ tiếp thu bài hơn.
“Sau một thời gian tham gia lớp xoá mù, nhiều học viên đã biết đọc, viết và gửi tin nhắn trong điện thoại cho người thân đặc biệt là con cái đi học xa. Nhiều người đã không cầm nén được xúc động với niềm vui đơn giản đó”, cô Vừ Thị Pa, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông chia sẻ.
Bế con cho trò học
Theo chia sẻ của cô Pa, khó khăn lớn nhất mà cô phải đối mặt trong quá trình giảng dạy lớp xoá mù chữ chính là nhiều học viên cao tuổi; học viên đang trong độ tuổi lao động hay là lao động chính trong gia đình nên họ ngại khi tham gia lớp học.
“Có những lần, tôi đến nhà vận động học viên đi học nhưng chờ mãi đến tối họ mới đi làm về để phân tích, động viên họ đến lớp. Hay, một số học viên họ bận quá tôi lại phải tận dụng ngày nghỉ của mình đến nhà dạy lại bài trong buổi học mà họ không thể tham gia.
Nhiều học viên không có ai trông con, phải bế theo đến lớp tôi lại vừa dạy học vừa trông con cho học viên để họ chú tâm tập đọc, tập viết. Mặc dù khó khăn nhưng đối với tôi ấm áp vô cùng. Ít nhất, mình đã hỗ trợ được một phần nào đó để học viên có được con chữ”, cô Pa chia sẻ.
Cũng chính sự chân thành đó, học viên của cô Pa đến lớp đầy đủ hơn, lớp học luôn sáng đèn mỗi tối. Tiếng cô trò cùng nhau đọc bài vàng cả đại ngàn.
Ông Mai Xuân Hà, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tênh Phông cho biết” “Cô Pa là một trong những cô giáo nhiệt tình, tận tâm và đặc biệt quan tâm đến học viên. Nhờ vậy, mỗi tiết học của cô trò luôn sôi nổi, học viên rất yêu quý cô Pa. Không những vậy, cô Pa là người sống ở địa bàn xã vì vậy rất hiểu văn hoá, phong tục của người dân nơi đây”.