Thầy giáo người Giáy tình nguyện 'mang ánh sáng' xoá mù chữ

GD&TĐ -  Hơn 12 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Lù Văn Bắc trăn trở làm sao để mang chữ đến cho học trò và người dân ở xã Pa Ủ.

Thầy Bắc đã xung phong tham gia vào giảng dạy lớp xoá mù chữ.
Thầy Bắc đã xung phong tham gia vào giảng dạy lớp xoá mù chữ.

Vươn lên từ khó khăn

Thầy Lù Văn Bắc (34 tuổi, người dân tộc Giáy), giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) xuất thân từ gia đình nông dân nghèo có bốn chị em. Thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ, thầy Bắc sớm nhận thức rằng chỉ có bám con chữ mới thay đổi cuộc sống, thoát khỏi nghèo đói.

Thầy Bắc bộc bạch: “Bố mẹ ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ no cái bụng cho cả nhà. Vì vậy, tôi nỗ lực học tập thật tốt để thay đổi cuộc sống sau này cho bản thân, gia đình”.

Tốt nghiệp THCS, Bắc đậu vào Trường THPT Mường Tè - Lai Châu. Trường cách nhà gần 50km, gia đình khó khăn, hàng ngày nam sinh người Giáy phải đạp xe đến trường. Đi học gần 1 tháng thấy con đi đường núi về muộn nguy hiểm, bố mẹ Bắc chắt bóp tiền tìm phòng trọ gần trường thuê cho nam sinh ở lại học.

Trong tuần đi học, cuối tuần về nhà Bắc phụ giúp bố mẹ chăm lo việc đồng áng, nương rẫy. Để tiết kiệm chi phí mỗi lần trở lại trường, Bắc mang theo rau, dưa, mắm muối.

Năm 2008, Bắc đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, hệ trung cấp, chuyên ngành Sư phạm Tiểu học. “Ước mơ trở thành thầy giáo của tôi chính thức được một phần hai chặng đường” - Bắc kể.

Thầy Bắc đang hướng dẫn học sinh cầm thìa. Ảnh NVCC.

Thầy Bắc đang hướng dẫn học sinh cầm thìa. Ảnh NVCC.

Năm 2010 tốt nghiệp, Bắc bước vào nghề giáo với công việc hợp đồng. Năm 2011, trong đợt thi tuyển công chức, thầy giáo Bắc đã đậu và được phân công về Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ giảng dạy.

“Người dân quê tôi không biết chữ rất nhiều, tôi ước mơ mình trở thành thầy giáo để dạy chữ cho họ, dạy họ cách đọc sách để biết cách làm kinh tế, chăm sóc con lúc ốm đau”, thầy Lù Văn Bắc chia sẻ.

Tình nguyện tham gia dạy lớp xoá mù

Sau khi nhận công tác, thầy Bắc được phân công đến điểm trường tại bản Hà Xi giảng dạy, đây là điểm trường mới với 98% người dân tộc La Hu (trước đây gọi là dân tộc Lá Vàng).

Người dân ở đây giao tiếp tiếng phổ thông rất hạn chế nên thầy Bắc rất khó khăn trong việc tiếp cận. “Chưa kể, họ không chú trọng việc học, chỉ lo kiếm ăn cho no cái bụng. Do đó, tỉ lệ người mù chữ trong bản rất cao”, thầy Bắc nói.

Do điểm trường khá xa với trung tâm xã, đường đi lại khó khăn hiểm trở, việc phân công giáo viên tham gia dạy xoá mù chữ ban đêm rất khó khăn. Thấy vậy, thầy Bắc đã tình nguyện xin dạy lớp xoá mù chữ cho người dân bản Hà Xi.

Thầy Bắc tâm sự: “Để thuận tiện trong quá trình dạy lớp xoá mù, tôi cố gắng học thêm tiếng dân tộc từ học sinh, hỏi han các em về tập tục, văn hoá nơi đây để dễ dàng hơn khi vận động người dân tham gia lớp xoá mù”.

Lớp xoá mù do thầy Lù Văn Bắc xin tình nguyện tham gia giảng dạy. Ảnh NVCC.

Lớp xoá mù do thầy Lù Văn Bắc xin tình nguyện tham gia giảng dạy. Ảnh NVCC.

Sau thời gian vận động, 20 học viên ở bản Hà Xi đã tham gia lớp xoá mù. “Vì học viên có độ tuổi từ 35 đến 60, nên tôi luôn động viên, xem họ như những người bạn, anh chị trong gia đình để giảng dạy giúp họ không cảm thấy ngại khi lớn tuổi mới đi học. Khi đi học, tôi phân tích cho họ hiểu việc biết chữ sẽ có những lợi ích gì, có thể phát triển kinh tế ra sao…”

Kết thúc thời gian 10 tháng dạy, học viên đã biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông, đọc, viết, tính toán. “Họ có thể tự mình đọc hướng dẫn sử dụng các loại thuốc khi đi khám được bác sĩ kê đơn”, thầy Bắc phấn khởi chia sẻ.

Gắn bó với thầy Bắc từ khi còn là thầy trò đến đồng nghiệp cùng trường, thầy Nguyễn Thành Long - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ chia sẻ: “Thầy Bắc là một giáo viên có trách nhiệm, nhiệt tình với học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp hết mình. Đối với việc vận động học sinh nghèo đến lớp, thầy Bắc luôn xung phong đến vận động những học trò ở vùng sâu nhất”.

Với tình yêu dành cho học trò của mình, thầy Bắc luôn chủ động tìm hiểu thông tin những em có hoàn cảnh khó khăn báo về cho nhà trường. Bên cạnh đó, thầy Bắc luôn kết nối học sinh với các mạnh thường quân nhằm giúp đỡ để các em được đến trường.

Hiện Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ nhận đỡ đầu 5 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lang thang cơ nhỡ. Thầy Bắc chịu trách nhiệm hỗ trợ, chăm sóc em Ly Ky Hừ một trong 5 em bị bỏ rơi.

Trước đó năm 2016, thầy Bắc đã kêu gọi từ thiện xây được 2 phòng học, 2 nhà bán trú. Ngoài ra, mỗi năm thầy Bắc đều tổ chức các hoạt động nhằm nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân để cải thiện cuộc sống hằng ngày cho trò nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.