Phim “Tro tàn rực rỡ” nhận giải Vàng tại Liên hoan phim quốc tế

0:00 / 0:00
0:00

“Tro tàn rực rỡ” của Bùi Thạc Chuyên thắng giải “Khinh khí cầu vàng” - giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế 3 châu lục diễn ra tại Pháp.

Phim “Tro tàn rực rỡ” nhận giải Vàng tại Liên hoan phim quốc tế

Liên hoan phim quốc tế 3 châu lục - Festival des Trois Continents 2022 là giải thưởng điện ảnh thường niên được tổ chức tại thành phố Nantes (Pháp), được biết đến là một trong những liên hoan phim lớn đối với điện ảnh đương đại châu Á.

Liên hoan lần đầu tiên diễn ra vào năm 1979 và cho tới bây giờ, mỗi kỳ tổ chức đều quy tụ sự tham gia của các tác phẩm điện ảnh đến từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.

Bộ phim từng đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo.

Bộ phim từng đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo.

“Tro tàn rực rỡ” của Bùi Thạc Chuyên được hội đồng Liên hoan phim đánh giá cao và trao giải cao nhất vì chất thơ và sự mê hoặc mà bộ phim mang lại. Bên cạnh đó, hình tượng ba nhân vật chính - ba người phụ nữ trưởng thành được khắc họa ấn tượng, đầy khao khát yêu thương nhưng cũng rất trong trẻo đáng yêu.

Trước đó, êkip làm phim “Tro tàn rực rỡ” đã đưa bộ phim này đến Liên hoan phim quốc tế Tokyo (Nhật Bản) từ cuối tháng 10/2022 để tranh giải. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Liên hoan phim quốc tế Tokyo có một bộ phim điện ảnh của Việt Nam được chọn tranh giải chính thức “Tokyo Grand Prix”.

“Tro tàn rực rỡ” được làm dựa theo hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về. Phim được quay vào cuối năm 2020 đến tháng 2/2021.

“Tro tàn rực rỡ” dài 116 phút, lấy bối cảnh tại một làng quê nghèo ven biển cực Nam Việt Nam. Ở đó có 3 người phụ nữ là nhân vật trung tâm của nhiều câu chuyện tâm lý sâu lắng về tình yêu và hạnh phúc, về nỗi khao khát được thương yêu của những bạn gái, người vợ, người mẹ...

Cảnh đám cưới trên sông trong phim.

Cảnh đám cưới trên sông trong phim.

Các nhân vật cố gắng gìn giữ những gì quý giá nhất mà cuộc sống đã ban tặng, cũng như mối quan hệ với những đàn ông họ yêu. Phim đẹp và buồn miên man, khiến người xem phải bâng khuâng trước mong cầu hạnh phúc chính đáng “cháy lớn như lửa” của những người phụ nữ trong đời sống đương đại.

Câu chuyện của ba người đàn bà, cách họ yêu và tìm cách giữ người đàn ông của mình giữa bối cảnh xảy ra ở xóm Thơm Rơm (Cà Mau) với nhiều chất liệu điện ảnh và văn hóa. Trang văn của Nguyễn Ngọc Tư lên phim với đám cưới đưa dâu bằng những chiếc ghe, những người đàn bà, đàn ông miền quê với cuộc sống bên ngoài đìu hiu, bên trong cuộn sóng.

Đoạn trailer phim toát lên khung cảnh miền quê mà Nguyễn Ngọc Tư đã mô tả trong truyện Tro tàn rực rỡ: “Tẻ nhạt hết sức nơi cái xóm Thơm Rơm này, nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau; nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà”.

Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ".

Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ".

Ở xóm đó, có người chồng Tam hay say xỉn đốt nhà đến năm lần bảy lượt, và người vợ Nhàn cam chịu, cặm cụi cất nhà lên rồi lại để cho chồng đốt.

Phảng phất trailer là giọng thoại của nhân vật do Bảo Ngọc Doling đóng. Cô nói: “Em chỉ ước tình yêu của anh với Nhàn sẽ cháy tan vào trong lửa kia”. Trong cảnh cuối, khi ngôi nhà lại bị đốt thêm một lần nữa, nhân vật tự sự: “Chồng cứ ở miết ngoài biển, không về coi tận mắt nên không hiểu được. Lửa đẹp lắm, lửa làm em mê mẩn”.

“Tro tàn rực rỡ” có sự tham gia của Phương Anh Đào, Lê Công Hoàng, Bảo Ngọc Doling, Ngô Quang Tuấn và Hạnh Thúy...

Diễn viên Bảo Ngọc Doling.

Diễn viên Bảo Ngọc Doling.

Trước “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng làm các phim: Cuốc xe đêm, Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Lời nguyền huyết ngải. Bên cạnh đó, anh cũng chuyên tâm với sự nghiệp đào tạo làm phim, nhiều năm làm “thuyền trưởng” của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD) tại Hà Nội.

Đạo diễn - biên kịch Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968 tại Hà Nội. Năm 1995, anh học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1997, anh theo học đạo diễn, gây chú ý với “Cuốc xe đêm” - tác phẩm Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes.

Năm 2005, phim “Sống trong sợ hãi” của anh giành nhiều giải trong nước và quốc tế. Hồi tháng 7, anh ra mắt phim tài liệu về Covid-19 “Không sợ hãi”, xoay quanh thời điểm dịch bùng phát ở TPHCM và một số tỉnh lân cận giữa năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).