Phim Việt thắng lợi từ sự… vay mượn

GD&TĐ - Trong 4 phim giành Cánh diều vàng, Cánh diều bạc... được trao tối ngày 13/9, thì có đến 3 phim remake (làm lại) từ các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ở hạng mục phim truyền hình của Giải Cánh diều 2021 vừa được trao tối ngày 13/9, trong 4 phim giành Cánh diều vàng, Cánh diều bạc thì có đến 3 phim remake (làm lại) từ các bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Có thể nói, đây là hồi chuông cảnh báo đáng buồn về sự “đói” kịch bản của phim truyền hình Việt, nên đã gặt hái thắng lợi cho mình chủ yếu bằng sự… vay mượn!

3 bộ phim remake được vinh danh ấy là: Cánh diều vàng “Thương ngày nắng về” – VFC sản xuất, được mua kịch bản, chuyển thể từ bộ phim truyền hình “Con gái của mẹ”; Cánh diều bạc “Cây táo nở hoa” - Vie Chanel sản xuất, được mua kịch bản, chuyển thể từ bộ phim truyền hình “Chuyện nhà Poong Sang” và Cánh diều bạc “Hương vị tình thân” - VFC sản xuất, được mua kịch bản, chuyển thể từ bộ phim truyền hình “Vì con mà sống”.

Và, duy nhất chỉ có phim “11 tháng 5 ngày” – Cánh diều vàng là được VFC sản xuất từ kịch bản của đội ngũ biên kịch Việt Nam.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc mua kịch bản để remake là điều bình thường ở nhiều nước trên thế giới và cũng nên khuyến khích để bữa tiệc giải trí thêm phong phú.

Nhưng, đằng sau lợi ích ấy lại bộc lộ không ít âu lo về như sự nhanh – tiện của đơn vị sản xuất, nhất là âu lo cho sự nghèo nàn, lười biếng, dựa dẫm về ý tưởng của biên kịch nước nhà.

Không phải trong xã hội Việt Nam thiếu những câu chuyện hay về gia đình, tình yêu, hôn nhân… Vậy nhưng có lẽ do sức sáng tạo còn mỏng mảnh, chưa theo kịp sự vận động của đời sống cũng như nhu cầu giải trí của khán giả, biên kịch chưa thể tổng hợp, khái quát, kết nối để viết thành những câu chuyện đi vào lòng người và trở thành chuyện của muôn người, muôn nhà.

Vả lại, đúng là các nước vẫn remake phim nhưng đồng thời biên kịch của họ vẫn chăm chỉ sáng tạo nhiều kịch bản phim xuất sắc để trở thành một mặt hàng ăn khách.

Công bằng mà nói, những phim remake thành công trên truyền hình có phần nào công sức của biên kịch trong việc thêm thắt, làm mới hoàn cảnh hoặc chế biến, gia giảm lời thoại sao cho gần gũi, phù hợp với khán giả Việt…

Tuy nhiên, những bổ sung, làm mới ấy vẫn phải dựa vào cốt truyện, dựa vào những nút thắt quan trọng của phim gốc nên chưa bao giờ là sự sáng tạo độc lập.

Nhìn lại, trong khoảng 3 năm qua, phim truyền hình remake chiếm số nhiều mà đội ngũ biên kịch thực hiện việc remake vẫn là các biên kịch đã khá thành công với những kịch bản thuần Việt như “Về nhà đi con”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Lối về miền hoa” hay “Yêu hơn cả bầu trời”…

Nếu cứ chăm chỉ remake như thế e rằng sẽ đến lúc biên kịch chây ỳ, lười biếng tìm kiếm ý tưởng mà chỉ chăm chăm chờ làm lại. Đã thế, cách làm này thường nhẹ nhàng, đơn giản hơn mà vẫn nhận được những giải thưởng tôn vinh khiến không ít người quên rằng họ đang dựa hơi từ sáng tạo của người khác để rồi vỗ ngực. Tiếc thay!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.