Phim hoạt hình Việt bao giờ mới hết trầm lặng?

GD&TĐ - Trong khi một số hãng của thế giới chọn Việt Nam làm nơi gia công thì ngay trong nước, phim hoạt hình gần như vẫn giậm chân tại chỗ.

Phim hoạt hình Việt Nam 'U linh tích ký: Bột thần kỳ' được đánh giá hoàn hảo.
Phim hoạt hình Việt Nam 'U linh tích ký: Bột thần kỳ' được đánh giá hoàn hảo.

“Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch” hay “Cao Bồi Lucky Luke” là hai bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới. Nhưng ít ai biết, những bộ phim ấy được gia công hoàn chỉnh tại Việt Nam. Các công đoạn đều được thực hiện bởi các designer và họa sĩ người Việt.

Không chỉ riêng phim hoạt hình mà Việt Nam còn là điểm gia công các kỹ xảo vi tính các dự án phim “bom tấn” của Hàn Quốc, như: Squid Game, Hellbound.

Mờ nhạt

Những thông tin này ngay lập tức chỉ ra một nghịch lý đối với ngành sản xuất phim hoạt hình Việt Nam. Trong khi thế giới chọn Việt Nam là điểm gia công tác phẩm bởi hai lý do: Giá thành rẻ và sức sáng tạo không hề thua kém thế giới. Nhưng chính tại Việt Nam, hoạt động sáng tạo phim hoạt hình nội địa lại khá ì ạch.

Không có nhiều phim được sản xuất, càng hiếm phim chất lượng cao. Có thể điểm qua một số bộ phim và dự án phim hoạt hình của Việt Nam để thấy được tiềm năng cũng như hạn chế.

“U linh tích ký: Bột thần kỳ” được trình chiếu trong Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Stuttgart (ITFS) lần thứ 29 và Liên hoan phim Seattle (SIFF) lần thứ 48 mới đây, với thời lượng 20 phút do Leo Đinh đạo diễn.

Ngay sau khi phát sóng trên nền tảng mạng xã hội YouTube, bộ phim đã gây ấn tượng mạnh. Phim lấy bối cảnh là vùng đất nhộn nhịp với 12 quận vây quanh một con sông, có cây nhân quả (lấy cảm hứng từ cây đa), có gian bếp quen thuộc với những gia vị và món ăn thuần Việt...

Đạo diễn Leo Đinh cho hay, khi tham dự các liên hoan phim quốc tế, phim được quan tâm vì là tác phẩm đến từ Việt Nam, kể câu chuyện Việt Nam. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc - cố vấn của dự án - nói rằng, với góc độ một khán giả thì ông thấy đó là bộ phim hoàn hảo.

Trước đó, khán giả Việt từng biết đến các bộ phim: Mỵ Châu - Trọng Thủy, Quái vật rừng xanh, Bí mật của những đứa trẻ, Chiếc xe đạp bay, Truyền thuyết gươm thần, Bí mật của khu vườn, Sự tích cốm làng Vòng, Người anh hùng áo vải, Hiệp sĩ cờ lau, Vương quốc bánh kẹo… ít nhiều để lại dấu ấn trong ký ức nhiều người.

Đặc biệt, những tập phim hoạt hình của dự án “Việt sử kiêu hùng” đã thu hút đông đảo công chúng trẻ tuổi. Dự án đã xóa nhòa quan niệm cho rằng, phim lịch sử là khô khan và khả năng làm phim hoạt hình của người Việt kém cỏi.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thực trạng phim hoạt hình Việt Nam, là không phải bộ phim nào cũng thật sự chất lượng. Nhiều phim rất mờ nhạt, không có sức cuốn hút người xem.

Thêm vào đó, hàng loạt hãng phim đình đám thế giới đầu tư sản xuất phim “bom tấn”, họ có kế hoạch và chiến lược tỉ mỉ trong việc phân phối và phát hành trên nhiều kênh khác nhau. Phim hoạt hình Việt vốn đã không xuất sắc, lại thêm lý do cạnh tranh kém dẫn đến tình trạng khán giả say mê phim hoạt hình ngoại, quên lãng phim hoạt hình nội.

Phim hoạt hình 'Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch' được gia công bởi đội ngũ chuyên gia Việt Nam.

Phim hoạt hình 'Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch' được gia công bởi đội ngũ chuyên gia Việt Nam.

Chúng ta đang tự khen nhau

Ngày 12/10, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết đã cho phép Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức “Tọa đàm về Năng lực sản xuất và hợp tác quốc tế làm phim hoạt hình Việt Nam”, diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội. Tham dự tọa đàm có đại diện các cơ quan, các đạo diễn, họa sĩ, nhà sản xuất và đơn vị sản xuất, phát hành phim hoạt hình tại Việt Nam.

Cuối năm 2021, trong cuộc trò chuyện “Tương lai của phim hoạt hình Việt Nam” của Xinê House, giới sản xuất phim hoạt hình đặt ra câu hỏi: Hoạt hình Việt Nam phát triển cả về nhân lực lẫn kỹ thuật, nhưng tại sao không làm nổi một phim chiếu rạp?

Đạo diễn Lê Huy Anh cho rằng, hoạt hình Việt Nam hiện có nguồn nhân lực mạnh với nhiều người trẻ đã tham gia những dự án hoạt hình quốc tế, có trình độ kỹ thuật đẳng cấp thế giới thông qua quá trình hợp tác với nước ngoài. Có những phim mà nếu chỉ xét về kỹ thuật, khán giả không phân biệt được là phim Việt Nam hay quốc tế.

Không có chênh lệch về trình độ hay kỹ thuật, nhưng phim hoạt hình Việt cứ mãi trầm lặng. Nguyên nhân được đưa ra, do một phần từ quan niệm lỗi thời – rằng phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi, trong khi thế giới sản xuất phim cho cả người lớn. Đầu ra trên kênh truyền hình quốc gia cho phim hoạt hình vẫn hạn chế, việc phát hành phim tại rạp thì gần như chưa nghĩ tới.

Bên cạnh đó là kinh phí, một phim hoạt hình 10 phút lên tới hàng trăm triệu đồng. Muốn áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, phải đầu tư tiền tỉ. Trong điều kiện tối thiểu, phải mất khoảng 100 - 200 triệu đồng để hoàn thành một phim hoạt hình 3D dài 5 - 7 phút. Do đó, dù biết sân chơi còn khoảng trống lớn nhưng không ai mạo hiểm bỏ tiền tỉ để nhận về rủi ro.

Quay trở lại câu chuyện hai bộ phim nổi tiếng thế giới “Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch” và “Cao Bồi Lucky Luke” gia công tại Việt Nam, mới thấy những nghịch lý dễ thấy mà khó thay đổi đối với hoạt hình Việt.

Đạo diễn phim hoạt hình - NSND Hà Bắc - cho rằng: Nhiều năm nay chúng ta đang tự khen nhau, vẫn cứ dồn tiền để làm những bộ phim theo kiểu vui vui, nên sẽ còn rất xa nữa Việt Nam mới có tên trên bản đồ thế giới khi nói về thể loại này.

Chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, phim hoạt hình của Hãng phim hoạt hình Việt Nam vẫn được đầu tư một cách nhỏ giọt, ra phim đều đều nhưng sự sáng tạo bị khống chế.

Vì vậy, để phim hoạt hình Việt Nam không giậm chân tại chỗ, ngoài vấn đề kinh phí, rất cần đến vai trò “bà đỡ” của Nhà nước, từ hỗ trợ chính sách, đào tạo đến bảo hộ phim đủ điều kiện ra rạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ