Dở khóc, dở cười với phim zombie Việt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Cù lao xác sống', bộ phim zombie đầu tiên của Việt Nam đang thu hút sự khen chê và trở thành chủ đề chính của nhiều tranh luận.

Bị đánh giá là “ngớ ngẩn mà dám đem ra rạp, làm hỏng cả khái niệm phim zombie quốc tế”. Thế nhưng, “Cù lao xác sống” lại lội ngược dòng để thu hút khán giả chi tiền mua vé, khiến doanh thu phim ngày càng tăng.

Ngớ ngẩn và thất vọng

Ra rạp từ đầu tháng 9/2022, thế nhưng phim “Cù lao xác sống” ít được biết đến cho tới khi hình thành “bão dư luận” với cả nghìn lời khen chê, bàn luận không có hồi kết. Được giới thiệu là bộ phim zombie Việt Nam đầu tiên vượt qua kiểm duyệt.

Phim nói về hành trình của một nhóm người cùng nhau sinh tồn và cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của xác sống. Đích họ muốn đến là chuyến phà cuối cùng tại một cù lao trên vùng hạ lưu sông Mekong - trước khi đại dịch xác sống bùng nổ.

Công - một thầy thuốc đông y nhưng đã mất đi niềm tin vào tình người, quyết định đưa cha mình và con gái tìm đường rời đi. Trong quá trình chạy trốn, họ thất lạc nhau, Công hoang mang đi tìm đứa con gái rồi vô tình gặp được một gia đình hiền lành, hai chàng trai ma lanh, đôi bạn trẻ lương thiện và một người đàn ông có trái tim dũng cảm.

Họ cùng nhau hợp sức thành một nhóm chống trả để giành giật sự sống. Đúng lúc này, sự tị hiềm tham lam, ích kỷ của lòng người nảy sinh và lại đẩy họ vào những thử thách sống còn.

Phim thuộc thể loại kinh dị, được dán nhãn 18+ (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi). Các diễn viên tham gia: Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Trần Phong, La Thành, Xuân Nghị, Lê Lộc, và Nguyễn Thành Nam là đạo diễn.

Được kỳ vọng là bộ phim bom tấn về thể loại kinh dị, thế nhưng “Cù lao xác sống” lại nhận được mưa lời chê. Hàng loạt điểm trừ được chỉ ra xoay quanh nội dung phim, những mảng miếng hài vô nghĩa, thậm chí là cả diễn xuất của dàn diễn viên đáng lẽ ra đã phải rất chất lượng.

Đôi lúc, ê-kíp phim không kiểm soát được phong cách lẫn thể loại. Khi các diễn viên nhí đối thoại, tác phẩm ngô nghê như phim thiếu nhi. Đến khi các bạn trẻ trò chuyện thì lại mùi mẫn chẳng khác phim tình cảm.

Để dẫn dắt câu chuyện, đạo diễn pha trộn nhiều yếu tố từ hành động (action), kinh dị (horror), giật gân (thriller). Tuy nhiên, hài hước (comedy) vẫn là ý đồ chính, nhưng tình tiết lại vô nghĩa nên mất đi không khí căng thẳng, ngột ngạt – yếu tố tối thiểu mà một bộ phim kinh dị cần phải có.

Một khán giả bình luận trên diễn đàn mạng xã hội: “Phim kinh dị 18+ mà thấy toàn hài. Nếu muốn phim đặc sắc thì nên bỏ thể loại hài hước, thêm vào đó những pha hù doạ hay hành động rượt đuổi thì sẽ hay hơn”.

Đa số các bình luận khác đều cho rằng “phim ngớ ngẩn mà dám đem ra rạp, làm hỏng cả khái niệm phim zombie quốc tế”. Thậm chí phim còn phi logic, không có sự can thiệp hỗ trợ của chính quyền khi có đại dịch. So với phim zombie nước ngoài, phim “Cù lao xác sống” chưa đạt nổi 10%.

Cảnh trong phim “Cù lao xác sống”.

Cảnh trong phim “Cù lao xác sống”.

Lội ngược dòng giữa mưa lời chê

Ngoài các điểm trừ, thành công duy nhất của “Cù lao xác sống” được giới chuyên môn đánh giá là ở kỹ thuật hóa trang, và dù chọn chủ đề ngoại nhưng vẫn giữ được hồn Việt. Bối cảnh miền Tây Nam Bộ được lựa chọn và sử dụng hợp lý - từ cánh đồng lúa, cầu khỉ cho đến vùng làng quê, sông nước.

Chủ đề phim về zombie đã có từ lâu, năm 1932 điện ảnh thế giới đã xuất hiện bộ phim đầu tiên có tên “White Zombie” của đạo diễn Victor Halperin. Đến năm 1968, phim “Night of the Living Dead” thắng lớn về doanh thu.

Ngoài ra, không thể quên các phim zombie nổi bật như: “Dawn of the Dead (1978)”, “Day of the dead (1985)”, “Dawn of the dead (2004)”, “I am legend (2007)”, “Zombieland (2009)”… Xác định xu hướng công chúng đang ủng hộ phim Việt, nhà làm phim đã đầu tư “Cù lao xác sống” dù tác phẩm còn nhiều hạn chế.

“Trước khi thực hiện dự án, êkíp đánh giá đây là chủ đề mới với mặt bằng phim trong nước, mang tính thử thách cao, phải quay khi dịch bệnh còn phức tạp. Do đó, chúng tôi xem đây là những bước thử nghiệm đầu tiên để hoàn thiện hơn trong các dự án tiếp theo”, nhà sản xuất Nhất Trung cho biết.

Trước nay, Việt Nam chưa từng có phim chiếu rạp khai thác chủ đề xác sống. Lợi thế này giúp ê-kíp có thể tự do sáng tạo, đồng thời tạo được sự tò mò. Thế nhưng, giới chuyên môn nhận định cách tạo hình xác sống gần như theo khuôn cũ, gương mặt có ghê rợn nhưng di chuyển chậm chạp.

Đặc biệt, zombie quá yếu đuối - có thể dùng tay hay túi xách đánh một cái là gục. Chi tiết này khiến xác sống không còn là yếu tố đáng sợ hay kinh dị, thậm chí còn gây cười khi con người cố tỏ ra sợ hãi.

Phim ôm đồm nhiều tuyến nhân vật nhưng không ai thực sự được đầu tư, các tình tiết rối rắm nhưng chưa giải quyết đến nơi đến chốn. Khi xem hết phim, khán giả chưng hửng không rõ mọi người có đến được bến phà thoát thân hay không - vì phim kết lửng, bởi nhà sản xuất nói sẽ có tiếp phần 2.

Mặc dù, phim bị bình luận theo hướng tiêu cực, nhưng tính đến sáng 13/9 – trên Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, thì bộ phim đang đạt gần 12,6 tỉ đồng. Doanh thu cuối tuần qua của “Cù lao xác sống” cũng đạt trên 925 triệu với 9.568 vé và 768 suất chiếu.

Tuy khác thể loại, nhưng “Cù lao xác sống” khá giống với phim “Em và Trịnh” của Phan Gia Nhật Linh ra mắt hồi tháng 6/2022 – khi phải nhận mưa lời chê. Tuy nhiên điểm giống nhau là, càng chê thì lại càng giúp tăng doanh số cho phim. Trên diễn đàn review phim, nhiều bình luận của khán giả khuyên rằng: Chưa xem phim xác sống Việt Nam thì chưa thất vọng, nhưng nếu lỡ mua vé rồi thì cũng nên xem để thấy xác sống trong nước khác với zombie nước ngoài thế nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.