Từ đầu tháng 7, một số phim ngoại được khởi chiếu tại Việt Nam đã nhanh chóng có doanh thu bất ngờ. Phim hoạt hình Mỹ “Minions: The Rise of Gru” có doanh thu hơn 178 tỉ đồng. Chỉ sau 10 ngày khởi chiếu, phim đã cán mốc 100 tỉ đồng doanh thu, và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Phim “Thor: Tình yêu và sấm sét” của Mỹ thu về gần 114 tỉ đồng. Phim hoạt hình Nhật Bản “Thám tử lừng danh Conan: Nàng dâu Halloween” được khởi chiếu vào ngày 22/7 cũng đang thu hút khán giả, hiện đã bán được 30 tỉ đồng tiền vé. Ngoài ra còn các phim có tổng doanh thu cao ở Việt Nam như: Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon (49 tỉ đồng), Phi công siêu đẳng Maverick (28 tỉ đồng).
Trong khi phim ngoại thắng đậm thì phim Việt rơi vào tình trạng lỗ vốn. Trong tháng 5, có 3 phim Việt liên tiếp ra mắt, gồm: Kẻ thứ ba, 578: Phát đạn của kẻ điên, Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác. Bộ ba phim Việt đều có vốn đầu tư sản xuất cao so với mặt bằng chung, với khoảng 30 - 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, cả ba đều thất thu.
Trong đó, “Kẻ thứ ba” thu chưa tới 1 tỉ. “578: Phát đạn của kẻ điên” chỉ đạt gần 3 tỉ trước khi rút khỏi phòng vé. “Maika” được đánh giá nội dung tốt nhất, do hãng BHD và Cục Điện ảnh kết hợp sản xuất theo đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phim chiếu rạp từ 27/5, song cũng không tránh khỏi thất bại khi chỉ thu về hơn 6 tỉ.
Trước đó, phim “Người tình” của đạo diễn Lưu Huỳnh khi rời khỏi các rạp cũng chỉ đạt doanh thu 1,1 tỉ đồng. Bộ phim từng đoạt 3 giải tại Liên hoan Điện ảnh châu Á “Người lắng nghe” ra rạp đầu tháng 3/2022 chỉ chiếu được hơn 1 tuần ở nhiều rạp, nhưng đành phải cắt suất do ít khán giả, dừng lại với doanh thu 2,2 tỉ.
Thua ngay trên sân nhà – đối với phim Việt đã không phải chuyện lạ. Vấn đề là tại sao phim Việt luôn thua – dù được quảng cáo, không là bom tấn thì cũng kinh điển?
Khán giả Việt ít xem phim Việt, điều đó chưa hẳn đúng. Như bộ phim “Em và Trịnh” vì bị chê dở tệ nên lượng xem cao đột biến – đến nay doanh thu đã đạt trên 97 tỉ đồng.
Điều đó cho thấy, khán giả không quay lưng với phim Việt. Vấn đề ở chỗ, nhà sản xuất phim cần phải có chiến lược quảng bá sao cho khán giả muốn đến rạp mua vé ngay lập tức – dù cho bộ phim có dở đến mức bị kêu gọi tẩy chay.
Những bộ phim ngoại khi nhập khẩu vào Việt Nam, dù không cần quảng bá vẫn nhiều người xem. Thứ nhất, đó là những bộ phim đặc sắc đã được chuyên gia thẩm định. Thứ hai, do đẳng cấp của nhà làm phim nước ngoài – đủ sức lấp chỗ trống trước những yếu kém của thị trường phim Việt.
Vì thế, phim ngoại sẽ ngày càng có vị thế đối với khán giả Việt. Còn phim Việt luôn phải đối diện với thực trạng lỗ vốn hoặc phá sản.