Nhiều người khi nghe đến khái niệm “phí chia tay” này hẳn sẽ “ồ” lên thành tiếng vì đây là một khái niệm quá buồn cười. Giờ mà thêm bất cứ một loại phí nào đều bị phản ứng, bất luận hợp lý hay là không, huống hố là thu loại phí mà thoạt nghe sẽ chẳng ai hiểu đầu cua tai nheo gì.
Thông thường khi nghe đến hai chữ “chia tay”, người ta liên tưởng ngay đến những cuộc tình ly tán, không tình yêu thì tình bạn. Ở đây, một người ra nước ngoài, có thể đi du lịch, thăm viếng người thân, du học hoặc chữa bệnh thì hà cớ gì phải “chia tay” để rồi lại chịu thu phí? Khoan nói đến mục đích, ý nghĩa của việc thu loại tiền từ những người đi nước ngoài này, ở đây chỉ xét về câu chữ trong ngữ cảnh ấy thì đã thấy một sự vênh váo vô nghĩa nên buồn cười là vậy.
Ông Nguyễn Quốc Hưng dẫn chứng, ở Nhật Bản, công dân của họ ra nước ngoài đều phải nộp phí với mức 1.000 yên/người (khoảng hơn 200 nghìn đồng). Phí này sử dụng vào việc thực hiện các dự án phục vụ cho ngành “công nghiệp không khói”. Nếu thu phí từ 3 - 5 USD, mỗi người Việt sẽ phải trả chừng 100.000 đồng cho một lần xuất cảnh. Thật ra, người Việt đi nước ngoài hiện nay - trừ công nhân xuất khẩu lao động - dù đi với mục đích gì thì cũng đều thuộc thành phần “có điều kiện” cả. Cho nên, thu phí 3 - 5 USD/người cũng không có gì quá đáng.
Điều mà người dân băn khoăn là nếu “phí chia tay” này được áp dụng, số tiền mà họ nộp sẽ được xử lý như thế nào? Người dân băn khoăn như thế cũng không có gì lạ bởi hiện nay chỉ cần ra khỏi ngõ là đã gặp ngay một loại phí nào đó nhưng nợ công quốc gia thì ngày càng đầy lên trong khi các công trình xây dựng luôn khát vốn, thậm chí có những công trình đội vốn “khó tin” nhưng hiệu quả sử dụng thì chả thấy gì, như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chẳng hạn.
Thống kê của bộ phận xuất nhập cảnh cho thấy, số lượng người Việt xuất cảnh mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2007 chỉ có 1,9 triệu lượt người xuất cảnh thì năm 2018 con số này đã lên đến 9,6 triệu lượt người. Nếu mỗi người đóng góp 3 - 5 USD gọi là “phí chia tay” ấy thì mỗi năm, ngân sách quốc gia có trên 30 - 50 triệu đô la, một khoản tiền không nhỏ cho ngân sách. “Số tiền này sẽ trích một phần cho các cơ quan ngoại giao để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân Việt Nam khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn” - ông Nguyễn Quốc Hưng góp ý cho dự thảo. Vậy lâu nay không có khoản tiền “phí chia tay” ấy thì không lẽ công dân Việt Nam không được “bảo hộ” sao?
Câu chữ dùng cho một loại phí nghe đã buồn cười. Mục đích sử dụng loại phí ấy, nghe còn buồn cười hơn.