“Rào cản” phát triển du lịch
Hiện tại, Việt Nam đã miễn visa cho 13 quốc gia (Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Belarus và cho quan chức Ban thư ký ASEAN). Cùng với đó, Việt Nam áp dụng cấp visa điện tử cho 80 nước. Tuy nhiên, trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp du lịch đã có ý kiến cho rằng, visa là “rào cản” phát triển du lịch. Vừa qua, giới doanh nghiệp tư nhân đã gửi bản kiến nghị về phát triển du lịch tới Bộ VH,TT&DL, trong đó đề cập đến chính sách thị thực cởi mở của Việt Nam.
Việc xin miễn visa cũng đã được nhiều doanh nghiệp du lịch đề xuất từ năm 2016. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang được xem xét, vì chưa tìm được tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nhiều nhà làm du lịch cho rằng, việcmiễn visa không chỉ là đòn bẩy tăng lượng khách và doanh thu cho doanh nghiệp mà còn kích thích tăng trưởng kinh tế từ khách du lịch.
Anh Nguyễn Đăng Định, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Hanoi Tourism chia sẻ: “Việc nới lỏng chính sách miễn visa sẽ thu hút được một số lượng lớn khách du lịch tiềm năng (khách nhà giàu) và như thế sẽ đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Hiện tại, việc nới lỏng visa du lịch Hàn Quốc với người Việt tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đã đem đến một luồng gió mới trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch nói chung và Công ty Du lịch Hanoi Tourism nói riêng. Cụ thể, từ đầu tháng 4 đến nay, công ty tôi luôn cháy tour du lịch đi Hàn Quốc…”.
Vẫn còn nhiều tranh cãi
Tại “Phiên hiến kế về du lịch”, ông Trương Tấn Sơn, Công ty Du lịch Saigontourist chia sẻ: “Visa là một trong những “rào cản” khiến du khách cảm thấy không được chào đón khi gặp khó khăn trong việc cấp. Bởi vậy, Chính phủ cần xem xét để có lộ trình cụ thể về việc miễn visa cho nhiều quốc gia hơn nữa. Chúng ta cũng có thể chủ động cấp visa 5 - 10 năm cho khách du lịch đặc biệt, như những người có thu nhập cao, nhân thân tốt, thường xuyên đi du lịch… Đó là chính là một trong những đòn bẩy cho ngành du lịch mở cửa, đón thêm nhiều khách du lịch nhà giàu, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế đất nước”.
Cùng quan điểm, ông Phạm Hà, Công ty du lịch Sang Trọng cho rằng: “Visa đang là một trong 4 “nút thắt” của du lịch Việt Nam. Bởi vậy, vấn đề này càng được giải quyết sớm càng tốt. Song song với đó, cần tăng thời gian lưu trú cho khách nước ngoài từ 15 ngày lên 30 ngày hoặc dài hơn nữa...”. Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Hà cho biết thêm, để cạnh tranh, phát triển được như Thái Lan hay các nước khác trong khu vực, chúng ta nên miễn thị thực, không nhiều cũng bằng họ. Trong khi đó, Việt Nam còn được nhiều khách du lịch coi là điểm đến an toàn và tổ chức được nhiều sự kiện quốc tế trọng đại… Do đó, việc miễn visa sẽ hút được rất nhiều du khách.
Bên cạnh những ý kiến trên, các đơn vị liên quan đến xây dựng cơ chế, chính sách trong việc xuất nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công An lại cho rằng: Chính sách miễn visa không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam. Visa chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh du lịch của một nước. Việc miễn visa đơn phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch cần đi đôi với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước…
Ông Nguyễn Văn Thống, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công An cho biết: “Việc miễn thị thực không phải tiêu chí để du khách chọn Việt Nam là điểm đến du lịch. Cụ thể, việc xin thị thực vào Việt Nam hiện nay rất đơn giản (chỉ trong 3 ngày). Các thủ tục hải quan cũng rất đơn giản và nhanh chóng. Trước các ý kiến về việc chính sách visa với khách du lịch, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công An sẽ tham gia lấy ý kiến, sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật 47/2014/QH13 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, đưa vào luật hoá thị thực điện tử nhằm cải cách thủ tục hành chính”.