Buổi sáng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và tiếp tục góp ý về nhiều nội dung. Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án luật này.
Trước phiên thảo luận, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, UBTVQH xin ý kiến đại biểu theo 2 phương án: Quốc hội quyết định (phương án I) hoặc Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua (phương án II). Nhiều đại biểu nêu quan điểm nghiêng về phương án I mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin ý kiến.
Ủng hộ phương án I với những lập luận mà UBTVQH nêu ra, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh tầm quan trọng của danh mục dự án là một bộ phận trung tâm hạt nhân có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu tách rời danh mục ra thì kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ không còn ý nghĩa. Theo đại biểu, trên thực tế, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn sở dĩ có “trục trặc”, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm mà Quốc hội trao.
Nhìn nhận việc quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn là thể hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) tập trung phân tích nhiều lý do chọn lựa phương án I. Theo đại biểu, việc Quốc hội quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp. Về bản chất, kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục dự án chính là dự toán cho cả giai đoạn trung hạn.
Thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay và cho rằng, dự án luật đã được chuẩn bị công phu, chặt chẽ. Góp ý cụ thể, một số đại biểu cho rằng, quy định “đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10% - 15%” là không cần thiết trong thời bình. Tuy nhiên, theo đại biểu Tuấn Anh (Bình Phước), đây là tỷ lệ cần thiết phải duy trì vì nếu thấp hơn thì khi triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu sẽ rất khó khăn. Đặc biệt là số lực lượng dự bị động viên là cán bộ, công chức, người lao động trong các doanh nghiệp đều đã làm việc theo nhiệm vụ công tác, theo ca nên nếu lực lượng dự phòng không dư thì sẽ rất khó huy động để đáp ứng đủ quân số.
Đối với dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến về nội dung “Cơ quan, người có thẩm quyền cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ”. Nội dung này dự thảo luật đưa ra hai phương án. Phương án 1: Quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan có thẩm quyền quyết định, cử, cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài”. Phương án 2: Quy định mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ủng hộ phương án 2, đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cho rằng cả hệ thống chính trị đang tích cực triển khai Nghị quyết 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nên thời gian tới, nhiều tổ chức, bộ ngành, địa phương có nhiều thay đổi về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, chức vụ từng cá nhân. Trong đó có trường hợp thuộc diện được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ nên để bảo đảm tính ổn định của luật thì thiết kế theo phương án 2 để không phải sửa luật. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị nên áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý xuất cảnh, nhập cảnh một cách mạch lạc, tránh tình trạng có người dùng hộ chiếu không đúng chức trách nhiệm vụ để đi ra nước ngoài.