Phát triển hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề

GD&TĐ - Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu về một đội ngũ lao động có kỹ năng cao, thích ứng nhanh với quá trình thay đổi, giúp tăng năng suất lao động và phát triển bền vững. 

Lao động trong khu công nghiệp cần được đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.
Lao động trong khu công nghiệp cần được đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.

Kinh nghiệm cho thấy, cần có công cụ hữu hiệu để kết nối các bên liên quan một cách hiệu quả, đó chính là hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

Công cụ đánh giá chất lượng lao động

Tương tự như đào tạo và cấp bằng lái xe, tiêu chuẩn kỹ năng nghề được đánh giá và cấp chứng chỉ nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình lao động sản xuất. Với chứng chỉ nghề được cấp, người lao động có thể tự do dịch chuyển đến bất cứ doanh nghiệp nào có nhu cầu và được trả lương theo đúng trình độ chuyên môn đã được công nhận.

Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề được phát triển theo khung năng lực quốc gia hay còn gọi là khung kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) để đánh giá năng lực cho người lao động theo tiêu chuẩn của các ngành nghề.

Bộ công cụ này nhằm kết nối hiệu quả mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, vai trò quản lý Nhà nước là yếu tố then chốt mang tính quyết định.

Phát triển hệ thống KNNQG thông qua chương trình hợp tác với Hàn Quốc là một dự án hiệu quả đang được triển khai. Trao đổi về chương trình hợp tác này, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Cơ quan hợp tác quốc tế KOICA, HRD Hàn Quốc đã hỗ trợ cung cấp nền tảng về hệ thống pháp lý, thể chế và nguồn nhân lực cho việc xây dựng hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ KNNQG phù hợp với thị trường lao động Việt Nam.

Thiết lập và vận hành cơ quan quản lý, đánh giá KNNQG và Trung tâm đánh giá Kỹ năng nghề. Đề xuất khung Chứng chỉ, hệ thống pháp lý trên cơ sở Khung KNNQG, kế hoạch quản lý tài chính cho hệ thống, phát triển tiêu chuẩn biên soạn đề thi, hướng dẫn thực hiện đánh giá…

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông Kim Unduck, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực - HRD Hàn Quốc chia sẻ: Hàn Quốc đã có những thành công cùng kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia, vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin về hệ thống đánh giá phát triển kỹ năng nghề.

Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng tăng cường quan hệ với các nước ASEAN, trong đó Việt Nam là đối tác quan trọng nhất để cùng có một tiếng nói chung trong nền kinh tế toàn cầu.

Có chứng chỉ kỹ năng nghề, người lao động tự do dịch chuyển công việc mà vẫn bảo đảm quyền lợi.
  • Có chứng chỉ kỹ năng nghề, người lao động tự do dịch chuyển công việc mà vẫn bảo đảm quyền lợi.

Tuyển dụng trên cơ sở kỹ năng lao động

Hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ KNNQG của Việt Nam vẫn còn khá chậm chạp, chưa bắt kịp với sự phát triển của thị trường lao động.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho đến nay Việt Nam mới phát triển được 191 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, 42 trung tâm đánh giá KNNQG và mới chỉ đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho gần 50 nghìn người.

Hiện mới chỉ quy định danh mục một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bắt buộc phải có chứng chỉ KNNQG mới được hành nghề như lĩnh vực khai thác mỏ, làm việc trên cao, điện, khí… Đây là con số còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường lao động trong nước bao gồm khoảng 56 triệu người.

Trong khi những công nghệ sản xuất liên tục thay đổi thì việc bổ sung, cập nhật các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề hiện còn chậm, do thiếu nguồn lực tương xứng.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải dự báo được những kỹ năng tương lai, muốn làm được điều này phải kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, bởi chính doanh nghiệp sẽ là điểm đầu tiên yêu cầu những kỹ năng mới, ngành nghề mới cho các vị trí việc làm.

Phát triển nhân lực chất lượng cao, những tồn tại trên chính là vấn đề cần được nhanh chóng cải thiện. Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi nói chuyện với công nhân lao động kỹ thuật cao tại TPHCM vào đầu tháng 5 mới đây, trong đó đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp sớm từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp, chuyển sang cơ chế tuyển dụng theo kỹ năng, kỹ nghệ.

Tăng cường củng cố khung trình độ KNNQG theo hướng khoa học công nghệ đang phát triển, tương ứng với trình độ lao động khu vực và quốc tế. Phát triển mạnh mẽ việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn, đồng thời tăng cường hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động.

Song song với đó, là việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý và các quy định pháp luật nhằm đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa cơ cấu lực lượng lao động, làm cơ sở phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng cung, nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Khung trình độ KNNQG và hình thành hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG trên cơ sở quy định tại Luật Dạy nghề và nay là Luật Việc làm năm 2013, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế bằng việc đưa lao động trẻ Việt Nam tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ