So với visa lao động thực tập sinh hiện hành, visa mới có nhiều ưu đãi và thời hạn làm việc cao hơn. Tuy nhiên, các yêu cầu về bằng cấp, chuyên môn cũng cao hơn.
Nhiều ngành nghề đặc định
Theo đó, các công ty Nhật Bản có thể trực tiếp nhận lao động nước ngoài vượt qua kỳ thi tiếng Nhật và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ đối với từng ngành nghề do các cơ quan chức năng của Nhật Bản tổ chức.
14 lĩnh vực ngành nghề đặc định tại Nhật Bản bao gồm: Xây dựng; Điều dưỡng; Đóng tàu; Làm sạch tòa nhà; Bảo dưỡng ô tô; Nông nghiệp; Hàng không; Ngư nghiệp; Khách sạn; Nhà hàng; Chế biến thực phẩm; Gia công chế tạo công nghiệp; Sản xuất máy công nghiệp; Điện - điện tử - viễn thông.
Visa KNĐĐ được chia làm 2 loại là 1 và 2. Các ngành nghề được phép tiếp nhận cũng như điều kiện để xin và quyền lợi của 2 loại visa này cũng khác nhau. Để được chuyển sang được visa KNĐĐ loại 2, người lao động sẽ phải trải qua một kỳ thi để đánh giá trình độ kỹ năng nghề.
Dự kiến, 3 ngành nghề là dịch vụ lưu trú, hộ lý, và dịch vụ ăn uống trong visa KNĐĐ sẽ được chính phủ Nhật tổ chức vào tháng 4/2019, trong khi các ngành chế tạo thực phẩm đồ uống được tổ chức vào tháng 10.
Ngành vệ sinh toà nhà sẽ được tổ chức vào sau mùa thu năm 2019, còn những ngành nghề còn lại dự kiến cũng sẽ được tổ chức trước tháng 4/2020.
Đối vớithực tập sinh kỹ năng loại 2, bao gồm ngành xây dựng và đóng tàu biển sẽ được miễn tham gia kỳ thi trên có thể làm thủ tục chuyển đổi sang visa KNĐĐ.
Yêu cầu ở các lao động nước ngoài có visa KNĐĐ loại 2 là khả năng chuyên môn, kĩ năng, tay nghề phải tương đương hoặc cao hơn các lao động nước ngoài đang làm việc trong cùng ngành với visa kĩ thuật. Tuy phạm vi ngành nghề được tiếp nhận hạn chế hơn, nhưng visa KNĐĐ loại 2 sẽ có nhiều ưu đãi hơn so với loại 1.
Đánh giá theo tiêu chuẩn Nhật Bản
Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Chỉ trong 3 năm trở lại đây, Nhật Bản đã thông qua 2 luật về tiếp nhận lao động nước ngoài bao gồm: Luật về chương trình thực tập kỹ năng người nước ngoài năm 2016 và Luật sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh và tỵ nạn, trong đó cho phép tiếp nhận lao động KNĐĐ người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, đồng thời người lao động đi theo hình thức thực tập kỹ năng hoặc lao động KNĐĐ được thực tập và làm việc với thời hạn 5 năm.
Theo đó, lao động Việt Nam kết thúc chương trình thực tập kỹ năng từ 1 - 3 năm, sẽ được tham dự kỳ thi đánh giá để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Đạt được chứng chỉ này, người lao động có nhiều cơ hội tiếp tục quay trở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản.
Về điều kiện trình độ ngoại ngữ, phía Nhật Bản đã giảm yêu cầu xuống một bậc so với chứng chỉ kỹ năng từ trình độ N3 xuống N4.
Hiện nay, Nhật Bản đang xúc tiến trao đổi với các nước gửi lao động đến để thỏa thuận và đưa ra các biện pháp triển khai cụ thể. Với những chính sách mới này, số lao động Việt Nam đến Nhật Bản làm việc trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. Đặc biệt là lao động có trình độ kỹ năng.
Hiện nay, Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết kế hệ thống đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn của Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn năng lực và kỹ năng nghề thích ứng với tiêu chuẩn kỹ năng nghề của Nhật Bản, từ đó tạo thuận lợi cho việc đưa lao động KNĐĐ sang Nhật Bản làm việc.
Hệ thống đánh giá kỹ năng nghề mà Nhật Bản đang hỗ trợ xây dựng là một lợi thế của Việt Nam so với một số nước khu vực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.