Có nhiều nguyên nhân khiến giá SGK mới trở thành câu chuyện hot. Rõ ràng, so với giá SGK chương trình cũ cùng cấp lớp, giá bộ SGK mới có cao hơn. Trong bối cảnh sức người, của cải bị bào mòn bởi đại dịch Covid-19 kéo dài, phải bỏ thêm chi phí cho mặt hàng thiết yếu này, dù chỉ vài chục đồng, cũng là nỗi canh cánh của bao gia đình khó khăn. Ấy là chưa kể, một số nơi cách hướng dẫn, cung ứng SGK, sách tham khảo chưa được tường minh, vẫn có hiện tượng “bán bia kèm lạc”, làm nặng thêm chi phí.
Các nhà làm sách xã hội hóa có đủ lý do chính đáng để chứng minh giá SGK mới là hợp lý, dù vậy gánh nặng của người nghèo vẫn đáng cảm thông, chia sẻ. Đặc biệt, yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng, Chính phủ là một mệnh lệnh, cần phải được thực thi nghiêm, không chỉ trong việc sản xuất và phân phối SGK.
Mới đây, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông cũng đã quán triệt tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Đặc biệt, Chỉ thị của Bộ trưởng yêu cầu rõ các cơ sở phải bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng tủ SGK dùng chung cho học sinh là mô hình được nhiều nước, kể cả các nước giàu trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, từ năm học 1976 - 1977 ngân sách Nhà nước cấp kinh phí cho các lớp vỡ lòng, trường phổ thông và bổ túc văn hóa tập trung để tổ chức những tủ SGK dùng chung cho học sinh mượn học. Sau đó, qua nhiều đợt thay SGK, mặc dù Nhà nước không còn cấp sách, đa số phụ huynh có thể dễ dàng mua sách cho con, thì mô hình tủ SGK dùng chung vẫn tiếp tục được thực hiện ở các trường, với sự quyên tặng của học sinh lớp trước và nguồn lực xã hội hóa.
Tủ SGK dùng chung không chỉ giúp việc dạy và học trong nhà trường thuận lợi, mà còn có ý nghĩa giáo dục, tiết kiệm, an sinh rất lớn. Thế nhưng, hiện mô hình này tại một số nơi chưa phát huy hết hiệu quả. Có những trường học, tủ SGK dùng chung rất hoành tráng nhưng trong tình trạng im lìm vì SGK có những thay đổi ít nhiều theo năm học về mẫu mã, nội dung; nhiều bản SGK có cả phần ghi chép nên học sinh, phụ huynh không tin dùng. Đặc biệt khi thực hiện một chương trình nhiều bộ sách, cũng có nguy cơ năm học này nhà trường, địa phương chọn bộ sách này nhưng năm sau chuyển sang sách khác, tủ SGK dùng chung đã đầu tư trước đó có thể trở thành lãng phí.
Để phát huy tủ SGK dùng chung, song song với sự chủ động của các cơ sở giáo dục, chung sức từ nguồn lực xã hội hóa, việc giữ ổn định nội dung SGK là cần thiết, nếu cần bổ sung chỉ nên trên tài liệu giáo viên. Bên cạnh đó, các trường cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn bảo quản, sử dụng SGK dùng chung. Nếu mỗi năm học, bên cạnh việc phổ biến hướng dẫn mua SGK, giáo viên còn hướng dẫn cả việc mượn SGK, thì có lẽ phụ huynh nghèo không còn quá trăn trở về giá sách, ngay cả khi nó trở nên đắt đỏ hơn do in ấn sang trọng hơn.