Lan tỏa Tủ sách nhân ái
Mô hình Tủ sách nhân ái (TSNA) giúp trường học và người dân tiếp cận với sách, tài liệu nâng cao kiến thức. Đây được coi là giải pháp đơn giản, tiết kiệm nhưng đầy hiệu quả nhằm góp phần xây dựng văn hóa đọc. Sau hơn ba năm triển khai (2017 - 2020), cả nước có hơn 9.300 tủ sách và thư viện được mở ở 4.000 trường học và cộng đồng dân cư của 60 tỉnh thành. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức tặng hàng vạn cuốn sách mỗi năm tới hàng chục nghìn độc giả mọi miền Tổ quốc thông qua mạng xã hội, mừng tuổi sách đêm Giao thừa và đầu năm mới.
Theo bà Tống Liên Anh, chuyên viên Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), nhờ có TSNA, đông đảo độc giả ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, khắp các địa phương trên cả nước, đặc biệt là người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có cơ hội tiếp cận với những cuốn sách phù hợp, bổ ích và lý thú. Đặc biệt, những độc giả ở nhóm yếu thế như trẻ mồ côi, khuyết tật, học sinh nghèo đã được tiếp cận tri thức chân chính theo những cách thuận tiện nhất. Không thể phủ nhận, mạng lưới TSNA phục vụ tận nơi, mỗi độc giả có thể tiếp cận tới hàng trăm đầu sách hay, phù hợp lứa tuổi và sở thích của bản thân. Sách đã đến với mọi người và đáp ứng nhu cầu học tập liên tục suốt đời.
Để lan tỏa văn hóa đọc, nhà thơ Khúc Hồng Thiện – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Thư viện Hồng Châu ở quê nhà Hưng Yên. Thư viện thu hút đông đảo người đọc, trong đó có đông học sinh và giáo viên. Ông Thiện chia sẻ: Mong muốn được đọc sách nâng cao nhận thức là nhu cầu tốt đẹp trong mỗi người. TSNA được hình thành chắc chắn sẽ giúp các độc giả tiếp cận với sách thuận lợi hơn. Độc giả có thể đọc sách ở bất cứ đâu, ở lớp, thư viện, sân trường, ở nhà, ở nhà văn hóa thôn xóm. Thật là vui vì có nhiều cá nhân đang nỗ lực làm những gì có thể để những cuốn sách của TSNA có mặt ở mọi nơi. Họ là những người đang chung tay gieo ánh sáng văn hóa trong cộng đồng.
Khơi gợi hứng thú đọc sách
Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ, anh Nguyễn Anh Tuấn đã khát khao mang kiến thức đến với mọi người. Ý tưởng “Ngôi nhà trí tuệ” cho vùng quê nghèo ra đời. Ngôi nhà đầu tiên được Tuấn thiết kế ngay tại nhà của bố mẹ mình (xóm 7, Cồn Tần, Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An).
Nguyễn Anh Tuấn cho hay: Ở ngôi nhà trí tuệ, các em nhỏ có thể hỏi và được trả lời bất cứ câu nào. Cũng ở đây, người dân quê có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết cho nhau một cách dễ dàng, nhanh, hiệu quả nhất.
Không dấu niềm vui khi mô hình Ngôi nhà trí tuệ do mình sáng lập ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, anh Tuấn chia sẻ: Sau Ngôi nhà trí tuệ đầu tiên, mô hình trung tâm học tập suốt đời này đã khai trương cơ sở thứ ba tại Đức Thọ - Hà Tĩnh tháng 4/2019 và đến nay Ngôi nhà trí tuệ đã có mặt tại miền Trung và Tây Nam Bộ. Mới đây nhất, chương trình Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ phối hợp tổ chức trao tặng Thư viện Nhân ái khai trương Ngôi nhà trí tuệ tại Madagui (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng). Ngôi nhà trí tuệ đặt tại mảnh đất do người dân ở buôn Đạ Guih hiến tặng. Tại lễ khai trương, hàng nghìn cuốn sách hay trị giá 80 triệu đồng được chương trình Tủ sách nhân ái tài trợ.
Cùng với Tủ sách nhân ái, Ngôi nhà trí tuệ là mô hình cộng đồng học tập suốt đời. Ở đây việc đọc sách, học tập hoàn toàn miễn phí, những ai mong muốn có kiến thức để áp dụng vào cuộc sống đều có thể đến nơi này để học tập. Nói như PGS.TS Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT): Đến với Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ, mọi người không phân biệt lứa tuổi đều có thể học tập nâng cao hiểu biết, được giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong trong cuộc sống hàng ngày. Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ đã và đang góp sức cho việc hiện thực hóa chủ trương xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.