Phát huy truyền thống cha anh, trách nhiệm thiêng liêng

GD&TĐ - Ngày 27/7 hằng năm cũng là dịp để các thầy, cô giáo là con em thương binh, gia đình chính sách nhắc nhớ về truyền thống cách mạng.

Thầy Hoàng Châu Thiện - giáo viên Trường THPT chuyên Tuyên Quang hướng dẫn học trò nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC
Thầy Hoàng Châu Thiện - giáo viên Trường THPT chuyên Tuyên Quang hướng dẫn học trò nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Qua đó được tiếp thêm sức mạnh để tận tâm, tận hiến với sự nghiệp “trồng người”.

Tự hào với ký ức cha ông

Thầy giáo Hoàng Châu Thiện - Trường THPT chuyên Tuyên Quang (Tuyên Quang) là con thương binh hạng 4/4, nhiễm chất độc da cam khi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1967 - 1975). Vì thế, thầy Thiện xót xa mỗi khi thấy bố “cứ trở gió lại đau nhức nhối”. Song thầy cũng rất đỗi tự hào về bố và những người đồng đội của ông đã hy sinh một phần xương máu cho hòa bình, độc lập của dân tộc.

“Chiến tranh đã lùi xa và trở thành miền ký ức hào hùng của dân tộc, trong đó có hình ảnh của bố tôi. Mỗi khi nhắc lại miền ký ức ấy, tôi tự hào, xúc động và biết ơn bố cùng những đồng đội của ông”, thầy Thiện chia sẻ.

Thầy Thiện sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học. Vì vậy, gia đình và đặc biệt bố chính là nguồn động lực to lớn để thầy quyết tâm trở thành nhà giáo. Trước đây, bố thầy Thiện cũng có thời gian dạy học. Ông luôn là tấm gương để thầy học hỏi, phấn đấu và vượt qua những khó khăn, áp lực trong công việc.

“Nghề dạy học còn được mọi người gọi là nghề “trồng người”, nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, đến giờ, thầy Thiện vẫn nhớ như in và thấm nhuần lời dạy của bố mình. Điều đó càng tiếp thêm động lực để thầy bám trường, lớp và nguyện một lòng son sắt với nghề dạy học, mang ánh sáng tri thức cho thế hệ trẻ. “Bố tôi đã chiến đấu vì độc lập Tổ quốc và sự sống của con người. Tôi muốn làm công việc “trồng người” như một sự tiếp nối sự sống cao đẹp ấy”, thầy Thiện trải lòng.

Năm nào cũng vậy, dù bận đến mấy cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Quảng Trị) cũng sắp xếp thời gian về thăm bố mỗi dịp 27/7. Bố cô là thương binh hạng 4/4, hiện đã hơn 90 tuổi. Ông từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. “Bố tôi từng bị địch bắt, giam tù, thậm chí bị chúng đóng đinh vào chân, tay và nhiều hình thức tra tấn dã man khác”, cô Hà nghẹn ngào kể.

Với cô Hà, bố luôn là điểm tựa vững chắc để cô vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc. “Có những lúc chông chênh, tôi thường tìm đến bố để lấy lại động lực, niềm tin vào bản thân và cuộc sống”, cô Hà chia sẻ và cho biết, bố cô là minh chứng thực tiễn sinh động trong nhiều tiết dạy của cô.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Quảng Trị) bên bố của mình. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Quảng Trị) bên bố của mình. Ảnh: NVCC

Tiếp nối truyền thống

Mỗi khi nhắc đến bố, thầy giáo Diệp Thanh Tuấn – Trường THPT Lê Hồng Phong (Hậu Giang) không giấu nổi xúc cảm và rất đỗi tự hào. Bố thầy Tuấn cũng là thương binh hạng 4/4. “Qua những ký ức của bố, chúng tôi hiểu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh, một thời rực lửa với nhiều hy sinh, mất mát đau thương nhưng thật hào hùng. Từ đó, chúng tôi càng thêm trân quý cuộc sống hiện tại để nỗ lực, cố gắng từng ngày và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội”, thầy Tuấn chia sẻ.

Với thầy Tuấn, bố luôn là tấm gương sáng về nghị lực vượt lên chính mình. Mỗi khi gặp khó khăn, thầy luôn tìm đến ông để trao đổi và nhận được những lời khuyên, định hướng đúng đắn. Phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, thầy Tuấn nỗ lực, phấn đấu trong công việc, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, học giỏi. Thầy là người con hiếu đễ, nhà giáo mẫu mực và hoàn thành các nhiệm vụ trường, lớp với thành tích tốt nhất.

Còn với cô Nguyễn Thị Thu Hà, những lời dạy của bố được cô “ghi lòng tạc dạ”, đó là: Làm việc gì cũng cần có tâm và chuyên nghiệp, nghề dạy học càng cần phải tử tế, cống hiến hết mình vì học trò. Cô Hà luôn coi lời dạy của bố là “kim chỉ nam” trong công việc. Vì vậy, cô phấn đấu, nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin yêu của bố. Dù ở cương vị giáo viên hay cán bộ quản lý, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Nhiều năm liền, cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm học 2022 - 2023, cô được đề nghị tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

“Nỗ lực, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, một phần để “định vị” và xây dựng “thương hiệu” cho bản thân nhưng một phần nhằm đền đáp công ơn của bố”. Đó là chia sẻ của thầy Hoàng Châu Thiện. Hiện thầy là một trong những giáo viên “nòng cốt” của Trường THPT chuyên Tuyên Quang. Từ năm 2014 đến nay, thầy đã hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều dự án đạt giải cao trong các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật các cấp. Mới đây, thầy đã đưa 2 học sinh sang Mỹ để dự thi khoa học kỹ thuật.

Với thầy Thiện, nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng trong đổi mới giáo dục, từ hình thức tổ chức dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập, cho đến phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Nghiên cứu khoa học góp phần thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Chia sẻ về mục tiêu trong thời gian tới, thầy Thiện cho biết sẽ làm hết mình để truyền tải kiến thức cho học trò, dạy dỗ các em trở thành người tử tế, có ích cho xã hội. Để nhà giáo tận tâm, tận hiến với nghề, thầy Thiện cho rằng, các chính sách cần tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, khúc mắc cho giáo viên, để họ có đầy đủ điều kiện nhằm phát huy sự tận hiến của bản thân.

“Để tăng động lực cống hiến của nhà giáo, cần xem xét, điều chỉnh mức lương, xem xét tăng lương trước thời hạn hiệu quả, hợp lí. Cùng với đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công việc; có thể thay đổi các quy định, điều lệ một cách linh hoạt, mềm mại, tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác”. - Thầy Hoàng Châu Thiện, giáo viên Trường THPT chuyên Tuyên Quang (Tuyên Quang)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ