Tri ân thế hệ đi trước qua những hoạt động ý nghĩa

GD&TĐ - Đền ơn đáp nghĩa đã trở thành phong trào sâu rộng trong từng cơ sở giáo dục và lan tỏa trong tiềm thức mỗi học sinh.

Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị chủ trì tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tại di tích Thành cổ Quảng Trị và thả hoa đăng tri ân liệt sĩ trên sông Thạch Hãn. Ảnh: Đăng Đức
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị chủ trì tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tại di tích Thành cổ Quảng Trị và thả hoa đăng tri ân liệt sĩ trên sông Thạch Hãn. Ảnh: Đăng Đức

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục Quảng Trị đã chung tay với chính quyền các cấp tri ân, chăm lo chu đáo những đối tượng chính sách, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Cứ vào dịp cuối tuần, đoàn viên, thanh niên Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) lại tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn. Dù chỉ là những hành động, việc làm nhỏ (quét dọn vệ sinh, nấu cơm, trò chuyện, động viên tinh thần...) nhưng Đoàn trường, các đoàn viên đã thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm đầy ý nghĩa.

Đoàn viên Lê Thị Thanh Thủy – Trường THPT Đông Hà chia sẻ: “Được tham gia các hoạt động tri ân đã giúp em hiểu hơn về những hy sinh, mất mát của các gia đình chính sách. Qua đó, em thêm biết ơn thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước”.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Toàn - Bí thư Đoàn trường THPT Đông Hà - cho biết: Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được Đoàn trường quan tâm, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đoàn từ đầu năm học và thực hiện trong các dịp: Quốc khánh 2/9; Quân đội Nhân dân 22/12, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7...

Cùng đó, Đoàn trường tổ chức cho đoàn viên, thanh niên quét dọn vệ sinh tại các nghĩa trang, phần mộ liệt sĩ, di tích lịch sử trên địa bàn; chỉ đạo các chi đoàn, dịp cuối tuần, tết lễ tổ chức thăm hỏi, trao quà cho đối tượng chính sách, thương binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

“Thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, Đoàn trường hướng tới giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình yêu con người, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… cho học sinh. Đây còn là dịp để các em trải nghiệm nâng cao kỹ năng sống.

Để hoạt động thiết thực, ý nghĩa, Đoàn trường đưa học sinh đến các địa chỉ đỏ, gia đình chính sách, có công với cách mạng… để các em cùng trò chuyện, sinh hoạt và giúp đỡ trực tiếp. Từ trải nghiệm thực tế, các em thêm thấu hiểu, ý thức về trách nhiệm bản thân đối với xã hội, khơi dậy niềm tự hào, lòng biết ơn, sự hy sinh của các thế hệ cha ông”, thầy Toàn chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Tâm – Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - cho biết: Vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Giải phóng miền Nam, Đoàn trường đều tổ chức cho học sinh thăm hỏi, tặng quà, động viên những gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ.

“Đây là hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của tuổi trẻ đối với thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng là dịp để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước”, cô Tâm chia sẻ.

Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho hay, dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, Đoàn trường đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà hai gia đình cựu chiến binh trên địa bàn. Đó là ông Ngô Tất Tứ, bà Phạm Thị Phụng - hai cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ. Tại đây, sau khi lắng nghe những câu chuyện chiến trường, các đoàn viên, thanh niên đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các cựu chiến binh; nâng cao ý thức và tích cực học tập, rèn luyện.

Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn thăm gia đình cựu chiến binh Ngô Tất Tứ từng chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ. Ảnh: Đăng Đức

Ban Chấp hành Đoàn Trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn thăm gia đình cựu chiến binh Ngô Tất Tứ từng chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ. Ảnh: Đăng Đức

Giáo dục toàn diện

Cô Tạ Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà - cho biết, những năm qua, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được nhà trường coi là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào kế hoạch từng năm học.

Theo đó, Hội đồng sư phạm, Công đoàn trường đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên thân nhân các thầy, cô giáo có công với cách mạng, trao tặng học bổng, hỗ trợ, động viên tinh thần học sinh là con em liệt sĩ. Đoàn trường cũng tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác như dọn dẹp Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, chăm sóc phần mộ liệt sĩ.

Đặc biệt, tổ chức cho học sinh tìm hiểu về cựu học sinh nhà trường hy sinh trong kháng chiến, kết hợp động viên, tri ân gia đình, người thân của họ. Hoạt động không đơn thuần là phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, mà còn mang ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống các thế hệ học sinh.

“Năm học nào Đoàn trường cũng chọn các gia đình chính sách, có công với cách mạng, neo đơn để thăm hỏi, động viên. Gần đây, nhà trường còn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên thăm Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 – nơi 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2020.

Tại đây, các em được tìm hiểu kĩ hơn về những tấm gương hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ, hiểu sự gian lao, vất vả của các chiến sĩ. Hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước, giáo dục chính trị, tư tưởng… từ đó học sinh được tiếp thêm nỗ lực, cố gắng trong học tập”, cô Tạ Thị Thu Hiền chia sẻ.

Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị - cho biết: Những năm qua, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được ngành Giáo dục quan tâm triển khai, thể hiện trách nhiệm thiêng liêng, sự tri ân đối với những người cống hiến xương máu, hy sinh vì Tổ quốc. Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã đưa hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” vào các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên, thiếu niên các nhà trường và coi đây như một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện.

“Dịp lễ, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Sở GD&ĐT Quảng Trị đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị; thả hoa tri ân liệt sĩ trên sông Thạch Hãn...

Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành nét đẹp văn hóa, đạo đức, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và lan tỏa sâu rộng tại các cơ sở giáo dục trong toàn ngành. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Đây cũng là động lực giúp các thế hệ học sinh trân trọng, biết ơn các thế hệ đi trước để có ý thức hơn trong học tập, rèn luyện, trở thành công dân có ích, đóng góp vào quá trình xây dựng quê hương, đất nước”. - Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.