Qua đó góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Ý nghĩa giáo dục lớn
Vào tháng 7 hằng năm, Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức dâng hương, viếng Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch và Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” “Đền ơn đáp nghĩa” cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng như tri ân và tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã có công với Tổ quốc.
Đứng trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Tràng An kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, tri ân công lao to lớn, mãi mãi khắc ghi và biết ơn sự hy sinh, cống hiến của họ vì độc lập tự do của Tổ quốc.
“Giáo dục “Đền ơn đáp nghĩa” tuy là việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Thông qua những hoạt động trên, nhà trường đã bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. - Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang
Cùng với việc tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên viếng nghĩa trang, tri ân các anh hùng liệt sĩ, nhà trường còn tổ chức trao và tặng quà đến gia đình, giáo viên, nhân viên nhà trường là vợ, con của liệt sĩ, thương binh.
Tại buổi gặp mặt, tặng quà, lãnh đạo nhà trường đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hi sinh xương máu và cống hiến cho sự nghiệp bảo về đất nước của người thân trong gia đình giáo viên, nhân viên qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền, công đoàn nhà trường tới giáo viên, nhân viên nhà trường.
Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An cho biết: Thông qua hoạt động giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đã giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình, không ngừng nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện.
Học sinh Lưu Minh Khuê - lớp 5, Trường Tiểu học Tràng An xúc động chia sẻ: “Nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, em may mắn có cơ hội được đến thăm Nghĩa trang Ngọc Hồi, tận mắt chứng kiến, cảm nhận và nghe kể về những ngày tháng đất nước trong khói lửa chiến tranh. Em cũng biết thêm, trải qua các cuộc giải phóng dân tộc, đã có hàng triệu anh hùng liệt sĩ ngã xuống trên quê hương”.
Cũng vào những ngày tháng 7 hằng năm, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” lại trở thành hoạt động quan trọng, không thể thiếu, trở thành dòng chảy tri ân không ngừng nghỉ thể hiện đạo nghĩa, lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ cha ông, khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đội ngũ cán bộ, nhà giáo ngành giáo dục Lạng Sơn.
Cô Hoàng Mai Hương - giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Vừa qua, Đoàn trường tổ chức cho 30 đoàn viên tham gia hoạt động quét dọn, chăm sóc phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Lạng Sơn. Nhân dịp này, Đoàn trường cũng tổ chức thăm hỏi 2 gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thành phố.
Tương tự, để giáo dục truyền thống cách mạng, hàng năm, Trường THPT Bắc Sơn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo đoàn viên, học sinh tham gia. Năm học vừa qua, Đoàn trường tổ chức 4 cuộc ngoại khóa gắn với giáo dục truyền thống tại các địa chỉ đỏ như khu Di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn, thu hút gần 500 đoàn viên tham gia.
Tại các điểm di tích, ngoài việc nghe giới thiệu về truyền thống cách mạng, các đoàn viên còn tham gia vệ sinh môi trường, dọn dẹp khu di tích, qua đó góp phần bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên dọn dẹp và chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương. Ảnh: NTCC |
Tri ân nhà giáo chính sách
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội có 257 nhà giáo là liệt sĩ, 1010 nhà giáo thuộc diện đối tượng chính sách. Trong đó có 358 nhà giáo là thương binh, 141 nhà giáo vợ liệt sĩ, 493 nhà giáo con liệt sĩ và 18 nhà giáo là bố mẹ liệt sĩ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người chiến sĩ - nhà giáo cũng vượt lên mọi hoàn cảnh để tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp trồng người.
Thấm nhuần đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn quan tâm công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các nhà giáo là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần bù đắp, sẻ chia phần nào những đau thương, mất mát chiến tranh gây ra. Đây vừa là tình cảm, sự tri ân, vừa là trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong ngành đối với các thế hệ nhà giáo đi trước, có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Kỉ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT hướng dẫn tổ chức tuyên truyền ý nghĩa của ngày 27/7, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự cống hiến, hi sinh của các anh hùng liệt sĩ và những người có công với cách mạng cho học sinh trong các nhà trường.
Một buổi sinh hoạt ngoại khoá giáo dục truyền thống của học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: NTCC |
Cùng đó, các trường học thực hiện tốt việc chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn quận và phong trào đền ơn đáp nghĩa. Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động chính trị sâu rộng để đoàn viên, thanh niên học tập và noi gương các anh hùng liệt sĩ, hướng dẫn các cơ sở đoàn tham gia tu sửa, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ và tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài địa bàn.
Chị Đinh Thị Anh Thư - Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Việc làm của các đoàn cơ sở trường học những năm qua về giáo dục truyền thống cách mạng, ý nghĩa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Thông qua những hoạt động trên đã bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các đoàn viên, học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Năm học vừa qua, đoàn thanh niên cơ sở trường học phát động các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” với nhiều hình thức như thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tổ chức các hoạt động tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ và và dọn dẹp vệ sinh các khu di tích lịch sử, di tích cách mạng, thu hút hàng ngàn lượt đoàn viên, học sinh tham gia.
Ngoài ra, để giáo dục truyền thống cho học sinh, các trường còn tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương; tổ chức hành trình về nguồn, tham quan các địa chỉ đỏ, di tích cách mạng. Những hoạt động này đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước; giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn công lao to lớn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì độc lập, tự do Tổ quốc.
Cô trò Trường Tiểu học Tràng An (Hà Nội) thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: NTCC |
Để hoạt động thêm thiết thực, ý nghĩa
Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết: Trong chuỗi hoạt động tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, ngành GD&ĐT Hưng Yên đã chỉ đạo 100% các đơn vị trường học tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh về truyền thống đấu tranh cách mạng, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bên cạnh đó, các trường học trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa; tổ chức các hoạt động về nguồn, chăm sóc, dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức các hoạt động tri ân nhà giáo liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà gia đình Nhà giáo thương binh, con thương binh, liệt sĩ đang công tác trong ngành.
Cũng trong những ngày tháng 7, đại diện lãnh đạo Sở, Công đoàn Ngành đã đến thăm, tặng quà tri ân các gia đình nhà giáo liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, thắp hương tưởng nhớ mẹ Việt Nam anh hùng, thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với những nhà giáo cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người, đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thông qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong toàn ngành; Đồng thời, kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.
Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, “đền ơn đáp nghĩa” cho học sinh với các hoạt động có ý nghĩa như thăm hỏi, tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ, các trung tâm thương, bệnh binh, nhận chăm sóc, phụng dưỡng, giúp đỡ Mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm...
Đến nay, toàn ngành nhận chăm sóc và phát huy giá trị trên 2000 di tích được công nhận xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; hơn 200 nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Nhiều cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng.
Để phát huy những việc làm ý nghĩa đó, trong thời gian tới, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên trong nhà trường cần tiếp tục duy trì cũng như tổ chức đa dạng hình thức giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ; tạo động lực để các em nỗ lực hơn nữa trong học tập và cuộc sống, phấn đấu trở thành những người công dân có ích; góp phần hình thành một thế hệ tương lai có trách nhiệm với đất nước, đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước.
“Ngôi trường em học đã có nhiều chiến sĩ dũng cảm ngã xuống cho nền độc lập nước nhà, hài cốt của các bác không còn nguyên vẹn. Đến thăm viếng nghĩa trang, em không chỉ được nghe thuyết trình về những thời khắc lịch sử của dân tộc mà còn tự tay thắp những nén hương, gửi những bông hoa tươi thắm đến anh linh, linh hồn liệt sĩ để bày tỏ lòng tri ân của mình”. - Học sinh Lưu Minh Khuê, lớp 5 Trường Tiểu học Tràng An, Hà Nội.