Điểm tựa vững vàng

GD&TĐ - Sự đùm bọc, sẻ chia của đồng nghiệp đã trở thành điểm tựa vững vàng của những thầy cô giáo là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ.

Các giáo viên mới nhận nhiệm sở như thầy Zơ Râm Kế, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam sẽ tham gia các hoạt động phụ đạo Hè cho học sinh để làm quen với các bước lên lớp. Ảnh: NTCC
Các giáo viên mới nhận nhiệm sở như thầy Zơ Râm Kế, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam sẽ tham gia các hoạt động phụ đạo Hè cho học sinh để làm quen với các bước lên lớp. Ảnh: NTCC

Chân đi để lại con đường…

Cuối năm 1971, thầy giáo Nguyễn Quang Long (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), viết đơn bằng máu tình nguyện vào chiến trường miền Nam rồi trở thành lính đặc công một đơn vị thuộc Sư đoàn 312.

Tham gia chiến trường Quảng Trị, có mặt ở Thành Cổ vào những ngày khốc liệt nhất, lập được nhiều chiến công, trong đó có 2 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ, ông Long được kết nạp Đảng. Cuối tháng 12/1974, ông bị thương nặng nên xin rời quân ngũ, chuyển sang ngành Sư phạm.

Ba lần gặp Bác Hồ được thầy giáo Nguyễn Quang Long xem như niềm vinh dự, tự hào không dễ gì có được trong cuộc đời. “Tôi coi đó là phần thưởng cao quý nhất, và luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với phần thưởng ấy. Động lực để tôi bớt dần những trò nghịch ngợm của tuổi nhỏ, trở thành thanh niên có chí hướng, lý tưởng... cũng một phần nhờ vào sức mạnh, niềm tin từ hồi ức những lời căn dặn của Bác. Vì vậy, Bác Hồ là người thầy vĩ đại làm thay đổi cuộc đời tôi”, thầy Long tự hào kể.

Dù đã nghỉ hưu nhưng mỗi dịp 27/7 và 22/12, Công đoàn Trường THPT Trần Phú đều tổ chức gặp mặt, giao lưu với những thầy, cô giáo nguyên là quân nhân như thầy Nguyễn Quang Long. Thầy Phạm Văn Quang – Chủ tịch Công đoàn trường - cho biết: “Đây là hoạt động thường niên của Công đoàn nhà trường, cũng là dịp để hội đồng sư phạm tri ân, thăm hỏi, cập nhật tình hình sức khỏe của những nhà giáo thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ.

Đây không chỉ là tình cảm, sự tri ân…, mà còn là trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong ngành đối với các thế hệ nhà giáo có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Vì gần như các nhà giáo nguyên là quân nhân đều đã nghỉ hưu, thế nên, như thầy Quang cho biết, nếu nhận được thông tin các thầy cô ốm đau, gia đình có việc hiếu hỉ… đại diện Công đoàn đều đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ cùng với gia đình.

Ngành GD-ĐT và Hội Cựu giáo chức Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng tổ chức buổi gặp mặt tri ân các nhà giáo đi B. Thầy giáo Đỗ Văn Tiến (quê Hải Phòng) theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vào chiến trường miền Nam với tinh thần “không sợ gì” và không nghĩ đến việc sẽ trở lại miền Bắc. Sau ngày giải phóng, thầy giáo người Hải Phòng này gắn bó với mảnh đất Duy Xuyên cho tới năm 1982 thì nghỉ hưu.

Hòa trong đoàn quân Nam tiến chi viện cho chiến trường Quảng Nam, năm 1974 theo tiếng gọi đi B, thầy Nguyễn Xuân Hanh khi đó đã 30 tuổi và đang giảng dạy tại trường cấp 3 Hậu Lộc (Thanh Hóa) chia tay vợ và 2 con. Công tác tại Ban giáo dục khu 5 cho đến ngày giải phóng, thầy Hanh về nhận công tác tại trường bổ túc công nông cấp 3 Quảng Nam, Đà Nẵng đóng tại Hội An. Chọn Quảng Nam làm quê hương thứ 2, thầy Hanh gắn bó với sự nghiệp giáo dục đất Quảng cho đến ngày nghỉ hưu.

Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) tổ chức giao lưu – gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hồi ức người lính” nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: NTCC
Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) tổ chức giao lưu – gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hồi ức người lính” nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: NTCC

Thêm những ấm áp, sẻ chia

Sau kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục của huyện Nam Trà My, thầy giáo Zơ Râm Kế nhận quyết định công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Quảng Nam). Thầy Kế là bộ đội xuất ngũ và con của thương binh.

Thầy giáo Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam - cho biết: “Dự kiến, bắt đầu từ tháng 8, khi hội đồng sư phạm nhà trường tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ trưởng chuyên môn sẽ hướng dẫn thêm cho thầy Zơ Râm Kế trong soạn giảng, giảng thử, cách tổ chức các hoạt động lên lớp, quản lý lớp học.

Trong dự định phân công nhiệm vụ, thầy Kế sẽ đảm nhận dạy học phân môn Thể dục của cấp tiểu học. Trong trường hợp thiếu giáo viên, sẽ bồi dưỡng thêm cho thầy để có thể đảm nhận dạy các môn như Tự nhiên - Xã hội, Khoa học, Hoạt động trải nghiệm…”.

Thầy Zơ Râm Kế được nhà trường hỗ trợ kinh phí mua tài khoản để tự bồi dưỡng các mô-đun thuộc chương trình bồi dưỡng giáo viên phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Khi bàn giao tài khoản bồi dưỡng, thầy hiệu trưởng có dặn kèm, có gì chưa hiểu hoặc muốn được giải đáp thì có thể trao đổi qua điện thoại hoặc Zalo để thầy và tổ trưởng giải thích, hỗ trợ thêm. Thầy cũng hướng dẫn thêm về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nhà trường”, thầy Kế cho biết.

Theo đó, thầy Kế buộc phải sử dụng thành thạo các phần mềm trên hệ thống Vnedu như quản lý điểm, báo giảng, kế hoạch dạy học, thiết lập các theo dõi quản lý học sinh, mượn sách, mượn thiết bị thư viện… Tài khoản trên Vnedu đã được nhà trường tạo và giao cho thầy để có thể làm quen trước với số hóa trong công tác dạy học.

Gia đình ở huyện Tây Giang, nên thầy Kế được nhà trường bố trí ở lại nhà công vụ. Theo thầy Chín, để hỗ trợ một phần nào cho những giáo viên trẻ như thầy Kế trong giai đoạn tập sự, nhà trường hỗ trợ thêm cho các thầy, cô giáo chi phí điện, gas… trong sinh hoạt, nấu nướng hàng ngày.

“Trong ký ức về những ngày kháng chiến bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của Tổ quốc có mảng ký ức đầy cảm động và hào hùng về các nhà giáo đi B. Họ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” bằng cách của mình. Cũng có những ký ức về các nhà giáo cách mạng của miền Nam vùng giải phóng hoặc vùng bị địch tạm chiếm đã kiên cường duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục. Đây là những chứng nhân của một thời kỳ lịch sử. Những hoạt động tri ân, giao lưu với các nhà giáo đi B cũng là cách để giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhà giáo hôm nay về sự hy sinh, tinh thần vượt qua gian khó của một giai đoạn lịch sử hào hùng, làm sáng lên biểu tượng “lương sư hưng quốc””. - Ông Hà Thanh Quốc – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.