Tri ân nhà giáo chính sách, trách nhiệm thiêng liêng

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tri ân các thương bệnh binh, người có công với cách mạng...

Đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam thắp hương tưởng nhớ Liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: NVCC
Đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam thắp hương tưởng nhớ Liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: NVCC

Hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trong đó có ngành GD&ĐT đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tình nghĩa để chia sẻ nỗi đau với hàng triệu thân nhân liệt sĩ và tri ân các thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trao đổi cùng Báo GD&TĐ về nội dung này.

- Ông có thể cho biết, thời gian qua, ngành Giáo dục và Công đoàn Giáo dục các cấp đã quan tâm thực hiện chính sách đối với người có công như thế nào?

- Nhà giáo, người lao động thuộc diện đối tượng con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có hầu hết trong các đơn vị trường học, kể cả đơn vị trực thuộc và không trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Truyền thống gia đình đã thúc đẩy họ vươn lên, trở thành lực lượng lao động đi đầu trong việc chấp hành quy định, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ và gương mẫu trong các mối quan hệ, ứng xử, tạo nên những hình ảnh đẹp về nhà giáo, nhà trường.

Công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động được các cấp công đoàn ngành Giáo dục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ở mọi thời điểm.

Trong đó, mối quan tâm hàng đầu là các đối tượng thuộc diện chính sách bởi Công đoàn Giáo dục Việt Nam xác định: Sự quan tâm, chăm lo không chỉ hỗ trợ về vật chất, tinh thần mà là sự động viên cần thiết, tri ân bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Điều đó cũng thể hiện rõ vai trò của một tổ chức luôn đồng hành và đứng về phía người lao động, những người lao động đặc biệt vì người thân của họ đã có những cống hiến to lớn cho đất nước nên trách nhiệm của tổ chức phải quan tâm hơn.

Đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm, Công đoàn các đơn vị thường xuyên phối hợp chuyên môn, các đoàn thể khác tổ chức nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa: Nhà giáo, người lao động được gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà, động viên, chia sẻ...

Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức các buổi dã ngoại “về nguồn” nhằm giáo dục truyền thống cho đội ngũ, khơi dậy niềm tự hào truyền thống gia đình cho các đối tượng chính sách, tiếp thêm sức mạnh cho họ trong công tác và cuộc sống, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, nghị lực để cống hiến cho ngành, đất nước trên nền truyền thống của gia đình, quê hương, đất nước.

Công đoàn các đơn vị trường học cũng làm tốt công tác tuyên dương, tôn vinh, khen thưởng các đối tượng chính sách có nhiều thành tích cống hiến nhân dịp này. Đặc biệt, công đoàn các trường học thường đảm nhận việc tu bổ, chăm sóc thường xuyên các khu tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng, các anh hùng dân tộc được đặt trong khuôn viên nhà trường.

Tại các trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân… nơi có các tượng đài nhà giáo của trường đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đều diễn ra các hoạt động tri ân, tưởng niệm rất xúc động. Việc này thường do các Công đoàn cơ sở chủ động tổ chức thực hiện và có sự tham gia của tất cả đoàn viên trong trường cùng các thế hệ cán bộ từng công tác tại trường.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

- Công đoàn Giáo dục Việt Nam thực hiện các hoạt động về nguồn ra sao?

- Từ nhiều năm nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã huy động các nguồn lực để tìm kiếm, quy tập và tập hợp danh sách các nhà giáo hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tạo thành một quần thể Nghĩa trang Liệt sĩ ngành Giáo dục tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Đây là địa chỉ đỏ của đội ngũ nhà giáo, người lao động cả nước hướng về với lòng biết ơn thành kính, niềm tự hào vô hạn. Con số 526 nhà giáo liệt sĩ được khắc bia tại đây chỉ là con số nhỏ so với nhiều nghìn nhà giáo gác bút nghiên ra trận mà không thể trở về với mái trường và quay lại với nghề dạy học đã có trong mơ ước ở tuổi thanh xuân. Đội ngũ nhà giáo ở thời điểm hiện tại phải có trách nhiệm trân trọng những giá trị các thế hệ đi trước tạo dựng và Công đoàn Giáo dục Việt Nam có trách nhiệm truyền thông và giáo dục truyền thống tốt đẹp đó.

Với trách nhiệm của mình, hàng năm Công đoàn Giáo dục Việt Nam đều chi một khoản kinh phí để Công đoàn Giáo dục tỉnh Tây Ninh chăm sóc, tu bổ và thực hiện nghi lễ thăm viếng nhân dịp các ngày lễ tết, dịp 30/4 và 27/7 hàng năm; khi có đoàn thăm viếng của nhà giáo cả nước.

Đặc biệt, năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã huy động kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ sự đóng góp của nhà giáo, người lao động cả nước để tu bổ Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Công trình đã hoàn thành và vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực nhằm chăm lo tốt hơn người có công, gia đình nhà giáo chính sách?

- Nguồn lực của công đoàn các cấp tuy hạn hẹp song những khoản kinh phí chi cho hoạt động tri ân, chăm lo các đối tượng chính sách vẫn được phân bổ hợp lý và theo đúng quy định. Nguồn kinh phí, đoàn phí công đoàn được trích lại hơn 70% cho cơ sở hoạt động cùng với hỗ trợ chuyên môn và sự năng động tìm nguồn của công đoàn các cấp đã trang trải đủ và tạo nên những dấu ấn hoạt động công đoàn đối với các đối tượng chính sách là nhà giáo, người lao động đang công tác tại các trường học.

Với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, chúng tôi vẫn duy trì quỹ Xã hội, đây là nguồn quỹ quan trọng trong việc hỗ trợ nhà giáo, người lao động trong ngành nói chung và nhà giáo, người lao động thuộc diện chính sách nói riêng.

Tổ chức công đoàn các cấp trong ngành Giáo dục luôn được hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội thông qua các ký kết thỏa thuận hợp tác được thực hiện thường xuyên. Các sản phẩm tiêu dùng, vật dụng sinh hoạt được các doanh nghiệp đồng hành cũng là món quà thiết thực, ý nghĩa, nguồn động viên lớn, sự chia sẻ nghĩa tình đối với các đối tượng chính sách đã và đang công tác trong ngành Giáo dục vào mỗi dịp kỷ niệm đặc biệt này.

- Hiện nay, đời sống của những nhà giáo diện chính sách được quan tâm như thế nào, thưa ông?

- Công đoàn luôn can thiệp kịp thời, đề xuất để chính quyền chuyên môn quan tâm đầu tiên tới các đối tượng chính sách như: Chuyển vùng, chuyển trường công tác; thực hiện các hợp đồng làm việc, lao động; ưu tiên trong tuyển dụng; ghi nhận trong các hội đồng khen thưởng, kỷ luật…

Vì vậy, đời sống của các đối tượng chính sách có sự quan tâm hơn. Họ được động viên và tạo điều kiện so với các đồng nghiệp khác. Tổ chức công đoàn đã có nhiều giải pháp giúp họ vươn lên trong cuộc sống và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Giáo dục giá trị truyền thống uống nước nhớ nguồn là việc cần làm của toàn xã hội; trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục. Từ những giá trị truyền thống tốt đẹp đó, mỗi nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục phải có ý thức và có nghiệp vụ để khơi gợi niềm tự hào của thế hệ trẻ, thôi thúc họ có lý tưởng sống cao đẹp, hướng về cội nguồn. Khơi nguồn cảm hứng, tạo động lực để viết tiếp những giá trị truyền thống là nhiệm vụ của ngành Giáo dục, của mỗi giáo viên và mỗi nhà trường”. - Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.