Đây là quần thể kiến trúc liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo thời Trần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Nghệ An. Công trình kiến trúc sớm nhất do các triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng này nhằm để tôn vinh, ghi nhận công đức của vua Mai Hắc Đế và có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa.
Báo cáo kết quả sơ bộ công tác khai quật KCH tại hai hố thuộc di tích ĐLN của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nghệ An cho thấy: Tại hố 1 đã phát hiện kiến trúc bó nền, móng trụ, chân tảng.
Toàn bộ bó nền được kè xếp bằng đá, phía đông dài 10,05m; rộng 1,35m; bó nền phía bắc dài khoảng 24m, rộng trung bình 0,6m; bó nền phía nam dài khoảng 24m; rộng trung bình 0,9m, ở giữa bó nền có một bậc thềm dẫn xuống sân.
Cũng tại hố này, các nhà KCH tìm thấy 10 dấu vết gia cố móng trụ và 3 chân tảng được xử lý hết sức linh hoạt. Móng trụ được xử lý kiên cố, đầm chặt bằng đá và đất sét. Trong lòng kiến trúc hố 1 cũng như khu vực xung quanh cũng tìm thấy một số di vật, chủ yếu là ngói mũi lá và một số đồ sành.
Đây là một kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, khung làm bằng gỗ, mái lợp ngói, kết cấu 6 gian, 7 hàng cột. Nét đặc biệt của di tích ĐLN là dạng kiến trúc có số gian chẵn và có khoảng cách bước gian không lớn (3,30m). Nhưng khoảng cách giữa hai cột trong một vì lại rất lớn (6m). Kết cấu này đã tối ưu hóa tối đa không gian của kiến trúc và thường gắn liền với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Hố khai quật số 2 được các nhà KCH mở tại vị trí phía tây của khu đất với diện tích 129,6m2. Dấu vết hiện còn gồm bó nền, gia cố trụ móng và rãnh thoát nước được xây dựng rất kiên cố với cấu trúc gồm 2 phần: Phần chân rộng trung bình từ 60 - 80cm, xếp bằng đá; phần thân xây xếp bằng gạch hình chữ nhật màu xám, đỏ.
Đáng lưu ý, phần lớn gạch sử dụng để xây xếp bó nền của kiến trúc là loại gạch hình chữ nhật và gạch múi bưởi mang đặc điểm thời Tùy - Đường. Cũng tại hố 2 đã phát hiện 8 gia cố trụ móng, xếp thành 4 hàng, mỗi hàng 4 cột.
Có thể xác định chính xác đây là kiến trúc một gian hai chái. Khoảng cách giữa cột cái và cột quân trong một hàng là 1,80m; khoảng cách giữa hai cột cái là 4,80m... Như vậy, kiến trúc hố 2 có mặt bằng hình vuông được xây dựng trên một vị trí có thế đẹp về phong thủy tạo thành minh đường hội thủy ở phía trước.
Đặc biệt, tại đây đã phát hiện 4 mảnh tháp bằng đất nung thuộc về tháp khác nhau. Đây là kiến trúc kiên cố, cấu trúc khung gỗ, mái lợp ngói và được trang trí cầu kỳ với những hình tượng của kiến trúc hoàng gia như tượng đầu rồng, uyên ương, liên quan chặt chẽ đến các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh - Trưởng phòng Nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (người tham gia khai quật) - đánh giá: Kết quả khai quật đã làm rõ cấu trúc mặt bằng tổng thể của khu vực ĐLN. Đồng thời làm rõ mặt bằng hai công trình kiến trúc và các công trình phụ trợ khác.
Các công trình này kết nối với nhau tạo thành một tổng thể kiến trúc liên hoàn được xây dựng tại vị trí đẹp theo quan niệm về phong thủy và có thể xác định quần thể kiến trúc phát hiện tại ĐLN được xây dựng vào thời Trần, nó bị phá hủy vào đầu thế kỷ XV khi Đại Việt bị nhà Minh đô hộ.
Tính tới thời điểm này, đây là công trình kiến trúc sớm nhất do các triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng để tôn vinh và ghi nhận công đức của vua Mai Hắc Đế.