Theo Daily Mail, một chú côn trùng dạng que dài khoảng hơn 60cm đã được các nhà côn trùng học tìm thấy tại khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội khoảng 150 km về hướng đông bắc.
Nhóm chuyên gia côn trùng học hiện đang làm việc cho Viện Khoa Học Tự Nhiên Hoàng Gia Bỉ đã công bố phát hiện ra hai loài mới thuộc Phasmatodea - tên khoa học của Bộ bọ que. Chú côn trùng ở Việt Nam có tên khoa học Phryganistria heusii yentuensis được họ tìm thấy trong cuộc thám hiểm đến những khu rừng nhiệt đới xa xôi.
Phryganistria heusii yentuensis cũng giữ kỷ lục là loài côn trùng lớn thứ hai thế giới được tìm thấy cho đến nay chỉ sau một anh em của nó ở đảo Borneo thuộc chủ quyền 3 nước Đông Nam Á Brunei, Indonesia và Malaysia.
Phryganistria heusii yentuensis có hình dáng giống nhánh cây hơn là que, với chiều dài thân 32 cm và sải chân 54 cm.
Theo nhóm chuyên gia côn trùng học thì loài côn trùng thuộc Bộ Bọ Que chưa được phát hiện ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Phát hiện này là bước tiến lớn trong việc lập hồ sơ các loài ở Việt Nam nơi chỉ có 70 loài được ghi nhận cho đến nay.
Loài bọ que thường ăn lá nhưng đôi khi ăn thịt cả đồng loại
Khu vực Đông Nam Á được cho là nơi có nhiều Bọ que sinh trưởng nhất trên thế giới. Loài Bọ que chủ yếu hoạt động vào bạn đêm và là bậc thầy ngụy trang khi rất giỏi hóa trang thành nhánh cây ẩn trong lá, thậm chí còn có thể chuyển động lắc lư tương tự theo gió, hoặc giả chết hoặc thay đổi màu sắc theo môi trường mà chúng đang sống.
Bọ que thường ăn lá nhưng đôi khi cũng ăn thịt cả đồng loại như một cơ chế được sử dụng để đấu tranh sinh tồn. Chúng có thời gian giao phối rất dài có khi kéo dài đến vài tháng.